GS Trịnh Xuân Thuận không có mặt ở TP.HCM để dự lễ trao giải nhưng ông đã có những chia sẻ qua đoạn video gửi về lễ trao giải.
Các nhân vật được trao Giải Phan Châu Trinh (từ phải qua): Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh, GS Đào Hữu Dũng, Pierre Darriulat, Jason Picard (đại diện GS Peter Zinoman) và nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: L.ĐIỀN
Trong video này, ông cho biết: “Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam là một đất nước luôn luôn đề cao những giá trị giáo dục và tri thức. Tôi ấp ủ hy vọng rằng tất cả tác phẩm của tôi sẽ làm nảy sinh ra những chí hướng khoa học của một số bạn trẻ có trí tuệ. Và cũng hy vọng rằng những hạt giống được gieo trong các tác phẩm đó một ngày nào đó sẽ đâm chồi nảy lộc và phát triển thành trái xum xuê”.
Cùng giải Vì Sự nghiệp văn hóa - giáo dục, giả văn hoá Phan Châu Trinh còn vinh danh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh, GS Đào Hữu Dũng (bút hiệu: Nguyễn Nam Trân) và GS Peter Zinoman (Mỹ) lần lượt ở các hạng mục giải: Nghiên cứu, dịch thuật và Việt Nam học.
Song song cùng với buổi lễ trao giải, Quỹ Phan Châu Trinh cũng chính thức công bố danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh là nhân vật tiếp theo được vinh danh vào “Dự án tôn vinh Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”.
“Ông là người đầu tiên vừa làm chủ báo vừa làm chủ công cụ thiết yếu là nhà in. Là người Việt Nam đầu tiên dịch gần 30 tác phẩm văn học, triết học, khoa học, chính trị học của các tác giả lớn của Pháp và thế giới ra tiếng Việt. Trong đó có những tác phẩm kinh điển như Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Ba người lính ngự lâm pháo thủ của A. Dumas, Người bệnh tưởng của Molière, cùng nhiều tác phẩm của J. J. Rousseau, B. Pascal, F. Rabelais, La Rochefoucault…
Là người khai sinh sân khấu kịch nói ở Việt Nam, với vở kịch của Molière do chính ông dịch và đưa lên sân khấu. Tôi nghĩ tôn vinh Nguyễn Văn Vĩnh hôm nay trong vị trí Những tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại, chính là chúng ta tôn vinh một nhà văn hóa có tính khai phá, mở đường, trong một giai đoạn hiện đại hóa quan trọng của văn hóa và xã hội ta”, nhà văn Nguyên Ngọc nêu đánh giá về học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh (bên trái) và GS Đào Hữu Dũng. Ảnh L.ĐIỀN
“Dự án tôn vinh Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại” là một hoạt động văn hóa mới thường niên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nhằm tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại; đồng thời góp phần lưu giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của các danh nhân văn hóa này thông qua các tư liệu/tài liệu mà họ để lại và các tư liệu/tài liệu viết/nghiên cứu về họ. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh (1872-1926), được thành lập với sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21”. Quỹ trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của đất nước thành lập. Việc trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hằng năm là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của quỹ nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân Văn hóa và giáo dục Việt Nam. |