GS Trương Nguyện Thành: 'Việc mua bài nghiên cứu khoa học giống như mì ăn liền'

(PLO)- Theo GS Trương Nguyện Thành, việc mua bán bài nghiên cứu khoa học giống như mì ăn liền và rất khó phát triển bền vững.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, dư luận quan tâm thông tin Phó Giáo sư (PGS)-TS Đinh Công Hướng (giảng viên Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp TP.HCM) vừa có đơn xin rút khỏi Hội đồng ngành toán, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) sau khi có người viết đơn phản ánh ông vi phạm liêm chính khoa học.

Giãi bày với báo chí, PGS-TS Đinh Công Hướng cho biết trong thời gian công tác ở Trường ĐH Quy Nhơn, ông đã bán công trình nghiên cứu (thực chất là phối hợp nghiên cứu và được trả thù lao) cho một số trường ĐH.

Xung quanh những chia sẻ của PGS-TS Đinh Công Hướng nhận được sự quan tâm từ dư luận xã hội. Vấn đề liêm chính học thuật được nhiều người đề cập, bên cạnh đó nhiều người cũng lên án hành vi mua bài báo nghiên cứu để được thăng hạng từ các trường ĐH.

GS Trương Nguyện Thành cho rằng việc các trường đại học mua bán bài nghiên cứu khoa học giống như mì ăn liền và rất khó phát triển bền vững.
GS Trương Nguyện Thành cho rằng việc các trường đại học mua bán bài nghiên cứu khoa học giống như mì ăn liền và rất khó phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành, GS danh dự ĐH Utah, Mỹ.

Liêm chính học thuật dựa vào đâu?

. Phóng viên: Xung quanh câu chuyện của PGS-TS Đinh Công Hướng, vấn đề bạn đọc quan tâm hiện nay là các trường có quy định như thế nào về việc “làm thêm” của các GS, PGS đang công tác. Tại ngôi trường GS từng công tác, điều này được thực hiện ra sao?

+ GS Trương Nguyện Thành: Tại Mỹ, lương GS có thể sống dư giả. Vì thế, vấn đề “làm thêm” bên ngoài được quy định rất rõ ngay từ đầu.

Ngày đầu tiên khi đến làm việc, các GS phải ký một bản thỏa thuận là trong thời gian làm việc toàn thời gian ở ĐH ấy, tất cả kết quả nghiên cứu hay bài viết là tài sản trí tuệ của trường. Nếu vi phạm, các GS có thể bị hủy hợp đồng.

Vì thế, liêm chính học thuật phụ thuộc vào môi trường, quy định cũng như thu nhập nơi đó có đảm bảo cuộc sống. Vi phạm hay không thì đơn vị nơi GS, PGS công tác có quy chế rõ ràng về việc này để tạo hành lang pháp lý.

Có cầu ắt có cung

. Việc PGS-TS Đinh Công Hướng có thể bán các bài báo nghiên cứu khoa học là do có nhu cầu từ các trường ĐH. GS đánh giá sao về vấn đề này?

+ Việc phát triển nghiên cứu khoa học từ trước đến nay chủ yếu tập trung vào các viện, trung tâm nghiên cứu. Các trường ĐH có nhiệm vụ chính là đào tạo, những năm trở lại đây mới có thêm trách nhiệm nghiên cứu khoa học.

Môi trường giáo dục tại các trường đại học cần sự liêm chính khoa học. Trong ảnh: Sinh viên đang thực hành nghiên cứu khoa học tại trung tâm trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY
Theo GS Trương Nguyện Thành, môi trường giáo dục tại các trường đại học cần sự liêm chính khoa học. Trong ảnh: Sinh viên đang thực hành nghiên cứu khoa học tại trung tâm trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY

Do đó, nghiên cứu khoa học ở ĐH là thứ yếu, không phải là chủ yếu. Vì thế, các trường ĐH không có nhiều cơ chế hiện hữu để quản lý tài sản trí tuệ từ nghiên cứu khoa học. Do đây không phải là nhiệm vụ chính của các trường ĐH. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng mua bán các bài báo nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH. Không có cơ chế, không có nguồn lực đảm bảo cuộc sống của các nhà nghiên cứu thì chuyện này tất yếu sẽ xảy ra.

Không chỉ với các GS, PGS mà liêm chính học thuật cũng được quy định rõ với các nghiên cứu sinh.

Tại ĐH Utah, nghiên cứu sinh học lên tiến sĩ sẽ được cấp học bổng để có thể có cuộc sống đầy đủ. Vì thế, họ quy định không được làm thêm bên ngoài. Trường đảm bảo với mức thu nhập trên, nghiên cứu sinh đủ sống để tập trung 200% vào nghiên cứu khoa học lấy bằng tiến sĩ. Quy chế đã có, nếu anh làm sai và vi phạm có thể sẽ bị đuổi khỏi trường.

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH

Hiện một trong những tiêu chí để đánh giá xếp hạng quốc tế của các trường ĐH chính là số lượng bài báo nghiên cứu khoa học được công bố.

Nhiều trường ĐH không có ngân sách chi cho khoản này. Một số trường ĐH tự chủ tài chính dù có ngân sách nhưng phát triển năng lực nghiên cứu khoa học là con đường dài hạn, chứ không giống như mì ăn liền. Muốn phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên cần cả một quy trình. Tuy nhiên, vì cạnh tranh thương hiệu, vì chạy đua thành tích nên một số trường đi tắt đón đầu và những chuyện này xảy ra khắp nơi trên thế giới.

Trung Đông là một trong những khu vực có tình trạng trên vì họ rất giàu từ dầu mỏ. Họ sẵn sàng mua mọi thứ bằng ngân sách thay vì phát triển năng lực hiện hữu. Họ đi mua kể cả những GS có tiếng ở nước ngoài về làm vị trí part time. Việt Nam chỉ là một trong những nước đi sau về vấn đề trên.

Phát triển năng lực, phát triển nội lực nghiên cứu khoa học là quy trình dài hạn trong khi nhu cầu để được xếp hạng là nhu cầu tất yếu hiện tại. Do đó, các trường không thể chờ 5-10 năm để thực hiện quy trình trên. Điều này giống như người đang đói và cần gói mì ăn liền, không thể chờ thức ăn nấu chín. Nó phản ánh nhu cầu thực tế có cầu ắt có cung.

Các trường ĐH cần phải biết mình muốn gì

. Việc các trường ĐH mua các bài báo nghiên cứu khoa học để nâng cao thương hiệu khiến chất lượng các trường ĐH thật giả lẫn lộn. Vậy theo GS, có giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên?

+ Quan trọng nhất chính là các trường ĐH cần phải biết mình muốn gì. Thị trường sẵn sàng cung cấp các bài báo nghiên cứu và có tiền sẽ mua được. Tuy nhiên, cái gì dễ quá cũng sẽ gây nghiện. Và điều này khiến cho ngôi trường khó có thể phát triển bền vững. Trường ĐH là nơi đào tạo con người, do đó nên có môi trường tôn trọng liêm chính học thuật.

Vì vậy, vấn đề cốt yếu là các trường ĐH phải xem mình muốn gì. Do đó, nếu trường muốn phát triển bền vững từ nội lực của chính mình thì sẽ không có chuyện phải tìm mua những bài báo nghiên cứu trên.

. Xin cảm ơn GS.

Mong sớm cải thiện chính sách

Trong những năm vừa qua, chúng ta chưa có những quy định phù hợp để hỗ trợ những người làm công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những ngành khoa học cơ bản. Chính vì vậy, thu nhập của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực này tương đối thấp. Tốt nghiệp các ngành này cũng khó tìm việc. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới định hướng chọn ngành học của người trẻ. Hiện nay có rất ít những người trẻ, có năng lực chọn những ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (gọi tắt là STEM) vì lo lắng cho tương lai của mình. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực thuộc lĩnh vực này đang tăng đột biến, đặc biệt về những lĩnh vực yêu cầu trình độ công nghệ rất cao như lĩnh vực điện tử, sản xuất chip, điều tra, khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm…

Tôi cảm thấy vui vì việc đại chúng biết tới trường hợp bán sản phẩm nghiên cứu khoa học hợp pháp của PGS.TS Đinh Công Hướng. Sự kiện này sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước và quản lý các trường ĐH có thêm thông tin nhằm cải thiện các chính sách để thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế để đảm bảo phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

PGS-TS VŨ THANH CA, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

ĐỖ THIỆN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm