Nhà nghiên cứu 103 tuổi chào mừng Ngày sách và Văn hoá đọc cùng giới trẻ

(PLO)- Đông đảo đoàn viên cùng các đại sứ chào mừng ngày Sách và Văn hoá đọc tại TP.HCM với những hoạt động thiết thực và nhiều thông điệp ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 21-4, Sở TT&TT đã tổ chức chương trình chào mừng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần 2, năm 2023 tại Công trường công xã Pari.

TP.HCM đầu tư phát triển văn hoá đọc

Phát biểu tại chương trình, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết tốc độ tăng trưởng trong ngành xuất bản với nhiều con số ấn tượng, tăng 250% so với cả nước.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu. Ảnh: HÀ NGUYỄN

"Phát triển văn hóa đọc của thành phố ngày càng được đầu tư và phát triển. Thành phố ngày càng có nhiều hơn các địa điểm, các công trình văn hóa như đường sách, công viên sách, là những điểm sáng văn hóa đã trở thành hạ tầng không thể thiếu của ngành Xuất bản, In và Phát hành.

TP đã đủ sức tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đọc mang tính chất quy mô quốc gia. Hơn nữa, các đơn vị xuất bản tại thành phố cho thấy sự năng động trong chuyển đổi. TP.HCM luôn tìm cách để hoạt động văn hóa đọc được mở rộng hơn, đầu tư sâu hơn và đem lại lợi ích thực tế cho người dân hơn.

Các hoạt động về sách và văn hóa đọc phải luôn có một sự đổi mới và sáng tạo. Ngày Sách và Văn hóa đọc được tổ chức tại TP.HCM với tinh thần đó” – ông Lâm Đình Thắng chia sẻ.

Các đại sứ cùng đoàn viên tại chương trình

Các đại sứ cùng đoàn viên tại chương trình

Theo ông Thắng, điểm nhấn của Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai – năm 2023 tại TP.HCM có 3 điểm nhấn: toàn TP, 10 đại sứ, ra mắt sách của Tổng Bí thư.

“Sở TT&TT cùng với 10 đại sứ văn hóa đọc sẽ đồng hành với nhau trong nhiệm kỳ 2023-2024. Chúng tôi muốn cùng với các đại sứ văn hóa đọc lan tỏa về sách, về giá trị của sách, về lối sống đẹp và truyền cảm hứng cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi của thành phố. Từ 10 đại sứ tham dự ngày hôm nay, chúng tôi rất mong sẽ lan tỏa để từng người dân của thành phố có thể trở thành đại sứ văn hóa đọc” – ông Thắng bày tỏ.

Thông điệp đến từ các đại sứ

Có mặt tại chương trình, với vai trò đại sứ Văn hoá đọc, nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư, tâm sự: “Người của ta, dân tộc ta sinh ra rất ham học. Sách là trường học, là những người thầy hoàn hảo, toàn diện nhất để chúng ta học hỏi. Do đó những bạn trẻ dù không còn đi học nhưng vẫn nên đọc sách để tiếp tục mở rộng vốn tri thức.

Vì chúng ta không bao giờ học hết được từ sách, nên cần học, học mãi, đến già vẫn học. Học trước hết cho mình nhằm nâng cao tri thức, rèn luyện nhân cách".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ tại chương trình.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ tại chương trình.

Bên cạnh đó, ông cũng cảm thấy vinh dự khi trở thành đại sứ Văn hoá đọc và cho biết mình say mê đọc sách từ thời tiểu học.

"Về văn hóa đọc tôi thấy cần phải đọc sách vì chỉ có đọc sách mới có thể giúp chúng ta tránh được va vấp trong cuộc sống và có lý tưởng tốt đẹp.

Càng đọc càng thấy tư tưởng được mở mang, trình độ, tư cách, kinh nghiệm được nâng cao. Nhưng không phải đọc sách nào cũng hay cả, cũng có những sách dở. Vì vậy, cần phải cảnh giác khi đọc, phải biết chiêm nghiệm để không làm lạc mất lý tưởng của mình.

Người trẻ cũng cần cảnh giác với sách, không phải sách nào cũng đọc" – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho hay.

Còn với bà Phạm Phương Thảo nguyên là Chủ tịch HĐND TP.HCM, việc gắn bó với sách không biết từ bao giờ và sách là món đồ nhiều nhất trong nhà.

"Tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc đọc và viết sách. Từ ngày về hưu cho đến nay tôi cũng đã viết được 9 cuốn sách và còn nung nấu nhiều đề tài để có thể viết tiếp.

Có một câu nói rất hay tôi rất tâm đắc Trong thế giới mà con người được ban tặng nếu không phải là thiên nhiên thì sách là thế giới vĩ đại nhất. Tôi chiêm nghiệm và tôi thấy rất là đúng. Sách giúp hình thành, phát triển những năng lực, phẩm chất tốt đẹp của con người" – bà Thảo bộc bạch.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM

Bà Phạm Phương Thảo cũng cho rằng mỗi người phải rèn luyện thói quen đọc sách từ nhỏ và thời gian vàng để đọc sách là từ lúc 6 tuổi.

"Chúng ta phải hình thành từng thói quen để sách trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được. Và việc hình thành thói quen phải nhờ sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường cộng đồng và xã hội.

Từ đó việc mong muốn TP.HCM phát triển thành một đô thị sách thì có thể thực hiện được và thành phố của chúng ta cũng sẽ thành trung tâm, đô thị sách của thế giới" – bà Thảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm