Gùi con chữ, gửi thanh xuân nơi núi rừng

Gùi con chữ, gửi thanh xuân nơi núi rừng

(PLO)-  Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, những giáo viên vùng cao lặng lẽ gửi lại một phần thanh xuân nơi núi rừng để đổi lấy con chữ cho các em nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một trưa cuối tháng 5, điểm trường thôn 4 Trường Tiểu học Trà Dơn (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) rộn rã tiếng cười nói. Ngoài hiên lớp, thầy giáo trẻ Trần Văn Bửu cùng một vài phụ huynh người Cadong tỉ mỉ gói những món quà nhỏ dành tặng 5 học sinh học tốt trong năm qua. Ngoài giấy khen, mỗi phần thưởng còn có chiếc cặp xinh xắn, năm cây bút và năm cuốn vở mới tinh. Số quà này thầy Bửu mua nhờ trích từ số tiền mạnh thường quân ủng hộ để cải thiện bữa cơm cho các em.

“Con chào thầy!”- mồ hôi nhễ nhại, từng nhóm học sinh tíu tít khoanh tay chào rồi ùa vào lớp.

Nhớ lời thầy dặn, hôm nay các em đều mặc bộ quần áo đẹp nhất đến trường dự tổng kết năm học. Năm học 2021-2022, lớp thầy Bửu có 16 học sinh, trong đó 5 em lớp 2, 11 em lớp 1. Tuy còn nhỏ nhưng các em rất tự giác, một số bảo nhau kê lại bàn ghế, một số nhặt giấy vụn bỏ vào thùng rác. Những đôi dép nhỏ xinh được xếp thành hàng ngay ngắn trước cửa lớp. Nhiều phụ huynh theo con đến trường cũng “xắn tay” quét dọn lớp học, chia bánh kẹo thành từng phần cho kịp giờ.

Chị Hồ Thị Hiền cho biết sáng nay chị và ba phụ huynh đã đi bộ xuống núi để cõng bánh kẹo, sữa lên trường phụ thầy Bửu. Vợ chồng chị có ba đứa con, đứa lớn nhất lớp 2, đứa nhỏ học mẫu giáo.

Chị Nguyễn Thị Hai thì bảo thầy cô giáo rất tốt, không chỉ dạy con chữ mà còn dạy mấy đứa nhỏ ngoan ngoãn, lễ phép. Tuy làm rẫy vất vả nhưng hai vợ chồng sẽ cố gắng cho con học hành để trở thành giáo viên như thầy Bửu.

“Con mình học lớp 1 thôi, đi bộ 30 phút mới tới trường. Thầy cô tốt lắm, nấu cơm, cho bánh kẹo rồi còn cho quần áo, sách vở, áo mưa nữa. Cảm ơn thầy cô nhiều”- quệt mồ hôi trên mặt, chị cười.

Năm học vừa qua, em Hồ Phạm Trưởng (học sinh lớp 2) là một trong năm em được nhận giấy khen vì có thành tích học tập tốt. Đứng ngoài hiên lớp ngóng con trai, anh Hồ Văn Mạnh rạng rỡ: “Con học giỏi thì vui lắm. Tôi mong con học chữ để sau không phải làm rẫy như ba mẹ. Thầy cô lên dạy các con học hành, đường xá xa xôi nên rất vất vả. Tôi hiểu nhưng không biết làm sao cả. Tôi cảm ơn và chúc thầy cô sức khỏe, tiếp tục ở lại dạy chữ cho các con”.

Buổi tổng kết năm học diễn ra đơn giản, ngắn gọn nhưng tràn ngập tiếng cười. Sau khi trao quà và dành lời khen các em có kết quả học tập tốt, thầy Bửu lần lượt chia bánh kẹo cho từng em.

Những đôi mắt ngây thơ, trong trẻo háo hức đón lấy hộp sữa từ thầy giáo rồi rít một hơi hết sạch. Có một điều thú vị là sau khi uống hết sữa, các em đều đập mỏng vỏ hộp, cuộn tròn lại rồi khoanh tay xin phép ra ngoài vứt rác.

Nhiều em nhỏ mạnh dạn xung phong hát tặng thầy giáo trước khi về nghỉ hè. Tuy không nhớ hết lời và phát âm tiếng phổ thông còn ngô nghê nhưng có thể cảm nhận được tình cảm, sự bịn rịn của học trò dành cho thầy giáo trẻ.

Gần 16 giờ, thầy giáo trẻ mới hoàn thành công việc và ăn vội bát mì tôm trước khi đi bộ xuống núi. “Năm học tới, những em lên lớp 3 sẽ phải xuống trường xã học tiếp. Vì đường xá xa xôi nên em rất lo các em sẽ bỏ học giữa chừng. Hôm nay có phụ huynh đến nên phải làm kỹ công tác tư tưởng về chuyện này”- giọng thầy trăn trở.

Thầy Bửu tốt nghiệp đại học ngành sư phạm tiểu học và trở về quê gắn với sứ mệnh “trồng người” khoảng 5 năm nay. Cha mẹ bỏ nhau khi thầy mới tám tháng tuổi, chặng đường “cõng gạo” tìm con chữ của chàng trai Cadong là cả quá trình nỗ lực không ngừng. Bấy giờ, nhà đông anh em, mấy miệng ăn chỉ trông vào nương rẫy nên chuyện học hành của cậu bé Bửu chủ yếu nương tựa thầy cô giáo. Đáp lại sự yêu thương ấy, Bửu học rất tốt. Hết lớp 9, trước nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng, một người thầy thương nên làm hồ sơ để Bửu tiếp tục theo học cấp 3 ở trường nội trú tỉnh.

Đó cũng là lý do mà từ khi bén duyên với nghề gõ đầu trẻ, thầy Bửu thường chủ động kết nối với mạnh thường quân để kêu gọi sách vở, quần áo, cải thiện thêm bữa ăn cho học sinh ở những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thầy kể ở những điểm trường xa, phải đi bộ nhiều giờ đường rừng mới đến nơi, có khi mỗi tháng chỉ về nhà 2-3 lần. Khi trở lại, thầy thường mang theo mì tôm để dành ăn sáng. Trong lớp có hai trường hợp hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Mẹ hai em đã lớn tuổi và thường say xỉn, cha thì bỏ đi lấy vợ khác nên các em thường đi bộ đến trường với chiếc bụng đói. Biết chuyện, thầy Bửu “để dành” những gói mỳ tôm của mình cho hai em ăn lót dạ trước khi vào học.Buổi trưa, học sinh gần trường thì về nhà, những ai xa thì ở lại ăn trưa cùng thầy cô. Thầy trò có gì ăn nấy, đồ ăn dư thì thầy gói lại cẩn thận rồi cuối buổi đưa cho hai chị em mang về ăn tối với mẹ hoặc dặn các em nấu lại để hôm sau ăn sáng.

“Hồi đó em xuống nhà vận động hai em đi học cũng vất vả, động viên các em ráng đi học còn có cái ăn chứ ở nhà thì đói. Em không có nhiều điều kiện để giúp các em nên có chi thì thầy trò chia sẻ. Năm học sau, nếu em không dạy ở điểm trường này nữa thì hy vọng thầy cô vẫn sẽ thương để chặng đường đi học của các em bớt gian nan”- thầy Bửu tâm sự.

Cực nhất là vào mùa mưa, các em nghỉ học nhiều vì… nhác. Thế nên chiều chủ nhật hàng tuần, thầy cô giáo sẽ vào trường từ sớm rồi chia nhau xuống nhà nhắc nhở học sinh đến lớp. Có khi ban ngày dạy học, tối đến ăn tạm bát cơm rồi họ lại cùng nhau đi vận động.

Vì là người địa phương, biết tiếng đồng bào nên thầy Bửu thuận lợi hơn giáo viên dưới xuôi trong việc tiếp cận, nắm bắt tâm tư phụ huynh, học sinh. Có lần thấy học sinh của mình đang mướt mải tra ngô trên rẫy, thầy vào làm cùng rồi từ từ nói chuyện, khuyên nhủ. Dẫu vậy, ở những khu vực ở xa, nhận thức người dân còn hạn chế, rượu chè, không quan tâm đến việc học hành của con trẻ thì có khi phải thuyết phục “mướt mồ hôi” họ mới nghe.

“Cũng có người phản ứng lại, bảo học làm chi, sau này về làm rẫy thôi. Trường hợp này thì mình phải kiên nhẫn giải thích để họ hiểu, học chữ không làm cán bộ thì có thể làm nhiều công việc khác. Mình có con chữ thì ít nhất đi mua đồ cũng biết tính tiền, không để họ chém, lừa gạt. Bà con trên này thực ra rất đơn giản, nếu cảm nhận được sự chân thành của mình thì họ sẽ rất quý và nghe theo mình thôi”- thầy nói.

Thầy Bửu cho hay, được sự quan tâm của xã hội và mạnh thường quân nên điều kiện học hành của học sinh những năm gần đây bớt cực hơn. Các điểm trường thôn cơ bản được dựng kiên cố, học sinh không còn phải học chữ trong những “túp lều” lụp xụp, mùa mưa thì ẩm ướt, mùa hè thì nóng bức. Tuy nhiên, do chưa có chỗ ở nên nhiều em nhỏ vẫn phải đi bộ rất xa mới tới được trường.

“Lớp em có 16 học sinh thì có tám em nhỏ ở xa, phải qua suối nên rất nguy hiểm, nắng ráo còn đỡ, mùa mưa thì rất cực. Nhiều hôm trời mưa tầm tã, em thấy mấy đứa nhỏ mới lớp 1, lớp 2 đến trường mà ướt nhẹp, lấm lem bùn đất thì rất xót. Nhiều em run lên vì lạnh. Em và hai cô giáo mầm non lấy vội áo của mình cho các em trùm tạm cho đỡ lạnh. Mỗi khi có đồ từ thiện thì em cũng cất lại một ít để dành cho các em mặc mùa mưa. Em sẽ cố gắng kết nối với mạnh thường quân, hy vọng có thể xây được một phòng nội trú, nhỏ thôi cũng được, để các em ở xa có chỗ ở lại chứ đi học mà cực quá”- thầy Bửu cho hay.

Phụ huynh học sinh tặng thầy Bửu trái bắp trước khi thầy về nghỉ hè.
Phụ huynh học sinh tặng thầy Bửu trái bắp trước khi thầy về nghỉ hè.

Hiện thầy giáo trẻ đã có cho mình một tổ ấm riêng với hai bé con dễ thương. Mới đây, hai vợ chồng đã dựng được nhà riêng sau thời gian dài phải ở nhờ bà con. Những ngày đầu chưa vào biên chế, lương ba cọc ba đồng nên vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Câu chuyện về người thầy đêm 30 Tết mang đèn pin ra suối hái rau, bắt cá vẫn khiến nhiều người bùi ngùi khi nhớ lại.

Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Hà (38 tuổi, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khi nói về lý do gắn bó với các em học sinh vùng cao hơn 10 năm qua. Dáng người thấp, gầy, cân nặng có lẽ chỉ khoảng 40 kg nhưng người phụ nữ ấy đã bền bỉ trèo đèo, lội suối mang con chữ tới những điểm trường xa xôi ở Trà Dơn.

“Năm 2010, con mình được 10 tháng thì chồng qua đời vì ung thư khiến mình suy sụp và chới với. Sau biến cố, bạn bè gợi ý lên miền núi dạy học cho khuây khỏa, mình gửi con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc và lên đường. Nhiều người nghĩ giáo viên dưới xuôi lên vùng cao dạy học là chấp nhận đánh đổi để vào biên chế, sau đó xin chuyển về. Điều này có lẽ không đúng với tất cả mọi người. Tất nhiên là mình cũng có lúc dao động, nhất là khi thấy đồng nghiệp nào đó nhận quyết định luân chuyển về xuôi. Nhưng sau tất cả, mình đã gắn bó với nơi này hơn 10 năm, đơn giản vì học sinh ở đây cần mình hơn”- cô Hà thủ thỉ.

Nhớ lại những ngày đầu trở thành giáo viên vùng cao, cô bảo khó khăn chẳng kể xiết vì mọi thứ đều mới lạ, từ điều kiện dạy học, nơi ở, đường xá đến phụ huynh, học sinh. Có điểm trường xa thiệt xa nhưng chỉ có ba cô giáo trẻ đứng lớp. Khoảng 5-6 giờ chiều, bóng tối đã bao phủ ngôi trường lụp xụp, tềnh toàng. Không điện, không sóng điện thoại, âm thanh của núi rừng thi thoảng vọng lại khiến họ giật mình vì sợ. Trong đêm tối, bao lần người mẹ trẻ khóc thầm vì nỗi nhớ nhà, nhớ con ùa về. Có điểm trường thì phải vượt sông nhưng chưa có cầu, cô Hà không biết bơi nên đành bám vào chiếc can 50 lít rồi nhờ người phụ huynh đẩy sang sông.

“Mới đầu cũng sợ, sau mình quen dần. Tuổi trẻ mà, nhà trường phân công thì sẵn sàng lên đường, không phải riêng mình đâu mà giáo viên nào ở đây cũng vậy”- cô cười.

Là một người mẹ, phải xa con nhỏ nên cô Hà dồn hết tình cảm dành cho các em học sinh. Cô tâm sự, vì khó khăn nên cô trò không có nhiều khoảng cách như dưới xuôi mà như người trong gia đình.

Quan tâm học sinh bằng tình cảm chân thành nên cô Hà và đồng nghiệp luôn nhận được sự quý mến của người dân địa phương. Có lần đang nghỉ trưa thì một phụ huynh gọi cửa, lôi trong áo ra một con thú rừng bảo: “Cho cô nè!”. Ngặt nỗi, cô Hà mới nhận công tác nên đâu biết, cứ nghĩ là chuột nên được phen sảng hồn.

“Về sau mọi người nói thì mình mới biết đó là con dúi núi, bà con quý nên mới mang cho. Nhiều đêm đi rừng về, bắt được con thú hay con cá, con ốc là phụ huynh lại gọi cửa cho, khuya quá thì họ treo trước cửa. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với giáo viên tụi mình, lúc chuyển từ điểm trường này sang điểm trường khác thì lưu luyến, bịn rịn lắm”- cô tâm sự.

Sau hơn 10 năm rong ruổi ở các điểm trường xa, năm học qua cô Hà được nhà trường bố trí dạy ở gần trung tâm xã. Mới đây, cô giáo cũng mua lại căn nhà nhỏ của đồng nghiệp và đón con trai lên ở cùng để tiện chăm sóc, dạy dỗ.

Cô Hà bảo cảm thấy bản thân may mắn và chưa từng hối hận vì dành một phần tuổi trẻ của mình cho nơi này, bởi nơi nào càng khó khăn, phụ huynh, học sinh cần mình hơn thì công việc của mình càng có ý nghĩa. Với những giáo viên vùng cao, điều họ mang đến cho học sinh không chỉ là con chữ mà còn là cầu nối với mạnh thường quân để giúp các em có thêm hộp sữa, gói kẹo, bộ áo quần hay tập vở mới. Đổi lại, điều khiến thầy cô hạnh phúc là được thấy học sinh ngày càng tiến bộ, trưởng thành, có thể tự tin bước ra ngoài xã hội và thoát cảnh quẩn quanh với cái rẫy, cái rừng. Nhiều em học lên cao và trở lại phục vụ cho quê hương.

Đọc thêm