Hà hơi tiếp sức nên cần khẩn trương

(PLO)-  Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 2% trong hai năm 2022-2023 đem đến hy vọng cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhưng việc hỗ trợ lãi suất có đến với những doanh nghiệp một cách kịp thời hay không thì… cần phải chờ. Vì sao?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 2% trong hai năm 2022-2023 đem đến hy vọng cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhưng việc hỗ trợ lãi suất có đến với những doanh nghiệp một cách kịp thời hay không thì… cần phải chờ. Vì sao?

Theo quy định, doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ thuộc các ngành: Nhóm dịch vụ hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin...

Thời gian hỗ trợ lãi suất có thể kết thúc sớm hơn khi tổng số tiền hỗ trợ đạt khoảng 40.000 tỉ đồng và không vượt quá ngày 31-12-2023. Hiện đã có một số ngân hàng thông báo triển khai hỗ trợ lãi suất 2%.

Đại diện các ngân hàng khẳng định đang tích cực lên kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho DN và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ này.

Phía các DN đang kỳ vọng chủ trương trên sẽ sớm đi vào thực tế, giúp họ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Họ cũng kỳ vọng dòng tiền hỗ trợ sẽ được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng với những tiêu chí rõ ràng.

Tuy nhiên, các DN cũng mong muốn gói hỗ trợ lãi suất lần này cần khắc phục được những nhược điểm của một số gói trước đây. Đó là thủ tục rườm rà, qua nhiều khâu xét duyệt, thẩm định… dẫn đến phát sinh chi phí, thời gian kéo dài. Nói cách khác, gói hỗ trợ lãi suất cần chính xác, nhanh chóng.

Một nỗi lo nữa của cộng đồng DN là làm thế nào để được thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất. Bởi theo quy định, để tiếp cận hỗ trợ, DN phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm… Trong khi đó, rất nhiều DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch rất cần hỗ trợ gần như không thể đáp ứng các yêu cầu này. Ngược lại, nhóm có thể đáp ứng các tiêu chí trên thường là DN lớn có đủ tiềm lực vượt qua khó khăn.

Điều này có nghĩa nếu ngành ngân hàng cứ cứng nhắc đưa ra rất nhiều tiêu chí khắt khe thì e rằng sẽ không có nhiều DN đang gặp khó khăn có cơ hội tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Đó là chưa kể như nhiều DN phản ánh, thời gian hỗ trợ hai năm là quá ngắn, đặc biệt với lĩnh vực đầu tư nhà ở. Bởi với khoảng thời gian đó, có khả năng sẽ xảy ra tình trạng DN chưa kịp thực hiện xong thủ tục để trình ngân hàng vay vốn thì chính sách đã hết hiệu lực.

Không chỉ vậy, nhiều DN mong muốn cơ quan nhà nước và các ngân hàng thương mại cần thống nhất về cách thức và nội dung truyền thông, không để mỗi ngân hàng giải thích một kiểu dẫn đến vướng mắc trong thực thi. Chỉ khi nắm vững cơ chế một cách chi tiết, các tổ chức tín dụng mới mạnh dạn giải ngân, không lâm vào tình trạng có tiền mà chẳng tiêu được.

Giải quyết ngay các vướng mắc trên, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% mới sớm đi vào thực tiễn. Khi đó, DN mới tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển sản xuất, kinh doanh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm