Hồi đầu tháng 4-2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17-5 vừa qua.
Tuy nhiên, các ngân hàng và người vay tiền cho rằng quy định tại thông tư này có nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Nhiều ngân hàng cho biết việc triển khai chính sách tái cơ cấu nợ theo
Thông tư 03 đang gặp không ít thách thức. Ảnh: TL
Cả khách hàng và ngân hàng đều vướng
Thông tư 03/2021 nêu rõ: Cho phép các ngân hàng được tiếp tục cơ cấu nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch đến hết năm nay, ngày 31-12-2021, tức chỉ còn hơn bốn tháng nữa. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ, không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Quy định này gây không ít khó khăn cho người vay tiền lẫn các ngân hàng vì thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng là quá ngắn. Anh Quốc Tuấn, chủ một cửa hàng tạp hóa ở quận 9, TP.HCM, kể rằng khoản vay 130 triệu đồng của anh được giải ngân từ cuối năm ngoái, có thời hạn vay là một năm. Dịch bùng phát mạnh từ đầu tháng 4-2021 vừa qua khiến mọi hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Đến khi TP.HCM thực hiện hàng loạt biện pháp chống dịch nghiêm ngặt thì hoạt động kinh doanh của anh ngưng trệ 100%.
“Không thu được đồng nào nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải đều đặn trả gốc và lãi hơn 8 triệu đồng cho nhà băng. Bên cạnh đó, hàng loạt khoản như tiền điện, nước, Internet… vẫn phải chi trả đầy đủ dẫn đến dòng tiền cạn kiệt. Trong lúc khó khăn, tôi hỏi phía ngân hàng nhưng nhận được phản hồi là chưa có chính sách hỗ trợ giãn nợ cho trường hợp như tôi vì vướng Thông tư 03” - anh Tuấn nói.
Nhiều người vay tiền khác thì cho hay nếu cho họ tạm ngưng trả nợ mấy tháng như Thông tư 03 sau đó áp lực nợ gia tăng mạnh là chưa thật sự hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bởi nếu được ngân hàng cho phép hoãn trả tiền gốc và lãi trong mấy tháng dịch bệnh nhưng sau đó số tiền gốc lẫn lãi vẫn sẽ bị cộng dồn rồi chia đều để trả trong những tháng tiếp theo.
Điều này cũng có nghĩa dù được tái cơ cấu nợ nhưng vẫn phải thanh toán hết khoản vay ngay trong một năm tính từ lúc bắt đầu cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 03. Đây là điều bất khả thi vì khi doanh nghiệp vẫn đóng cửa, tạm ngừng sản xuất hay bị phong tỏa không có doanh thu thì lấy tiền đâu mà trả ngân hàng.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính FE Credit, thừa nhận đối chiếu với Thông tư 03 thì doanh nghiệp có thể chứng minh thiệt hại và có thể được hỗ trợ. Nhưng với khách hàng cá nhân thì để chứng minh việc giảm thu nhập là điều không hề đơn giản. Trong khi rất nhiều công ty hiện đã phải cắt giảm lương, sa thải… dẫn đến người lao động bị giảm mạnh hoặc mất hoàn toàn thu nhập.
“Theo quy định hiện hành, nhóm khách hàng như trên được cơ cấu lại nợ nhưng đến năm 2022 thì họ vẫn phải trả nợ. Có điều với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự báo trong năm 2022 nền kinh tế chưa thể phục hồi và các đối tượng này vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực trả nợ cho những đối tượng đang thực sự khó khăn” - lãnh đạo FE Credit kiến nghị.
Phải gấp rút sửa Thông tư 03
Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng Thông tư 03 cần sớm được sửa đổi để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Qua đó mở đường cho các ngân hàng rộng tay hơn trong việc tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VABA), đánh giá: Thông tư 03/2021 với điểm nhấn quan trọng nhất là ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi chỉ được kéo dài đến cuối năm nay. Tuy nhiên, thông tư này ban hành chưa được hai tháng thì làn sóng thứ tư đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến nhiều khách hàng vay tiền không còn đủ tiềm lực tài chính, đóng cửa, không có doanh thu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện để cơ cấu nợ.
Như vậy, nếu áp dụng theo Thông tư 03 thì sẽ dẫn đến không một khoản nợ nào phát sinh sau ngày 10-6-2020 được cơ cấu nợ. Đồng thời, ngân hàng cũng không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Bởi từ nay đến cuối năm 2021 - hạn chót cơ cấu thời hạn trả nợ không còn bao xa, trong khi khó khăn của khách hàng vẫn đang hiện hữu và ngày càng tăng lên.
“Nếu tiếp tục làm theo Thông tư 03 đối với khoản thu dài hạn thì riêng trong năm 2022, khách hàng không thể hoàn trả được nợ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10-6-2020” - ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, phân tích: Trước đây, dịch COVID-19 ảnh hưởng chủ yếu đến các ngành như dịch vụ vận tải, du lịch, hàng không… nhưng đợt dịch lần này ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề. Hiện nay hàng loạt doanh nghiệp lớn không thể duy trì sản xuất, các hộ kinh doanh nhỏ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo quy định, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 muốn được cơ cấu lại nợ thì phải làm đơn đề nghị và được ngân hàng thẩm định. Nhưng trường hợp khách hàng trong vùng giãn cách xã hội hoặc đang cách ly thì không thể nộp tiền thanh toán nợ, không thể ký giấy đề nghị cơ cấu… Do vậy, phạm vi đối tượng khách hàng được hỗ trợ khá nhỏ.
“Nếu để hỗ trợ quy mô lớn hơn thì cần sự thay đổi chính sách điều hành từ NHNN mà cụ thể là sửa Thông tư 03 theo hướng nới rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ” - ông Tùng nhấn mạnh.•
Giúp người vay hồi phục mới có tiền trả nợ TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, khẳng định ông ủng hộ những kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và nhiều ngân hàng đối với việc gỡ ngay các vướng mắc tại Thông tư 03/2021. Theo đó, cần mở rộng đối tượng và các khoản nợ được cơ cấu lại, kể cả những khoản nợ phát sinh sau ngày 10-6-2020 vì dịch còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt cần gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ vì dịch bệnh còn phức tạp, bởi theo quy định hiện hành đến ngày 31-12-2021 hết thời gian được gia hạn nợ. Đồng thời không giới hạn số lần cơ cấu lại nợ mà nên giao cho tổ chức tín dụng chủ động, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế. Thời hạn trả nợ, gia hạn nợ nên được nới rộng tối thiểu là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ thay vì 12 tháng như quy định... Làm như vậy mới có thể giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất, trả tiền vay cho các ngân hàng. |