Theo đó, Sở Xây dựng khẳng định việc giải toả cây xanh mới là đề xuất của chủ đầu tư dự án làm đường, còn TP chưa phê duyệt, quan điểm của TP là “bất khả kháng mới phải chặt hạ cây xanh”…
Giải toả 1300 cây xanh làm đường mới là đề xuất
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng là rất cấp bách vì đây là tuyến vành đai III huyết mạch (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long) của Hà Nội. Hiện tại tuyến đường này là đượng cũ, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn, nhất là tại nút giao Hoàng Quốc Việt, đường ngang Học viện Tài Chính, đường ngang Tân Xuân, Cổ Nhuế, Công viên Hoà Bình.
Dự án mở đường Phạm Văn Đồng được triển khai thành 2 dự án gồm: Dự án mở rộng đường do Ban QLDS ĐTXD các công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư, khởi công cuối 2016, dự kiến hoàn thành đầu năm 2019; Dự án đường trên cao do Bộ GTVT làm chủ đầu tư khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019. Theo đó, tuyến đường này được mở lên 56-93 m với 4 làn cơ giới, 6 làn xe hỗn hợp và thô sơ, gải phân cách giữa, giải an toàn và vỉa hè hai bên đường. Đặc biệt có làn đường cao tốc trên cao rộng 24 m được bỗ trí ở giữa, với 3 điểm lên xuống thì mặt cắt rộng 38 m.
Hàng cây xanh mướt trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay
Để mở rộng tuyến đường này, Hà Nội đã phải giải phóng mặt bằng 884 hộ dân, 57 cơ quan, đơn vị, công trình hạ tầng kỹ thuật… Ngoài ra dự án cần dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa là 1.315 cây. Trong đó, giữ nguyên 142 cây; dịch chuyển 158 cây; phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây.Theo quy hoạch và hồ sơ thiết kế mở rộng đường Phạm Văn Đồng, hàng cây cần di chuyển, giải tỏa nằm trong phạm vi mở rộng đường, các đường dẫn lên xuống đường trên cao.
“Nhu cầu, số liệu dịch chuyển giải tỏa cây xanh trên tuyến đến nay mới là phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra” – ông Phong thông tin và cho biết việc này vẫn đang được Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân chứ chưa quyết định chính thức.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong
“Quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải toả cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có phát sinh chi phí, trong điều kiện không dịch chuyển mới giải toả, chặt hạ” – ông Phong khẳng định.
Cũng theo ông Phong, đối với số cây phải xử lý trong dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, thành phố giao các đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể đối với từng cây, có sự giảm sát chặt chẽ việc xử lý khi di dời hay chặt hạ. Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng tiếp tục hoàn chỉnh kết quả khảo sát, hoàn thiện phương án giải tỏa, dịch chuyển cây xanh liên quan tới dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, là cơ sở để Sở Xây dựng báo cáo thành phố xem xét theo quy định.
“Việc cấp phép dịch chuyển, giải tỏa cây xanh là thủ tục hành chính được UBND TP phê duyệt. Riêng với phương án giải tỏa, dịch chuyển cây xanh trong dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, Sở Xây dựng thấy cần tiếp tục được thảo luận, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Do đó, phương án này cần được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tham gia ý kiến nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội khi thực hiện dự án” – Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định.
Bất khả kháng mới phải chặt cây
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng là dự án cấp thiết để giải quyết vấn đề đi lại cho người dân, vì tuyến đường này đang ùn tắc trầm trọng. Chính vì phải mở rộng đường, nên phải tính toán đến việc di dời, giải toả hơn 1.300 cây xanh trên tuyến đường.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục
“Hôm nay tôi khẳng định là TP không chặt hạ cây mà thực hiện dịch chuyển, giữ nguyên vị trí, bất khả kháng thì mới chặt hạ cây. Chúng tôi không ó gì không công khai minh bạch ở đây cả. Bài học 2 năm trước ở đường Nguyễn Trãi đã được áp dụng ở đây, vì vậy giờ TP mới nghiên cứu phương án tối ưu để xử lý hàng nghìn cây xanh trên tuyến đường này. TP ưu tiên đánh chuyển cây chứ không phải chặt hạ. Với công nghệ mới hiện nay, với những đơn vị có đủ kinh nghiệm chúng tôi khẳng định là sẽ đánh chuyển cây được và sống nhiều” – Giám đốc Sở Xây dựng nói.
Ông Dục dẫn số liệu tại dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội thì chỉ có 10% cây đánh chuyển bị chết, còn lại 90% sống tốt, có thể tái trồng lại trên các tuyến phố của Hà Nội. Theo ông Dục, phương án chặt hạ, di dơi 1300 cây báo chí đưa mấy ngày nay do đơn vị tư vấn TEDI (của Bộ GTVT) cùng 2 chủ đầu tư dự án đề xuất. “Đề xuất vẫn là đề xuất. Sở có trách nhiệm nhận và phải tham mưu cho TP phương án tối ưu nhất” – ông Dục nhấn mạnh.
Ông Dục lý giải “cây bất khả kháng phải chặt hạ” là cây nằm trên hạ tầng phải làm, nếu không đánh chuyển thì vướng vào công trình. Ở dự án mở đường Phạm Văn Đồng có 986 cây xà cừ chiếm 90% cây phải chuyển đi. Trong đó có 10% cây xà cừ độ tuổi từ 50-60 năm, đường kính thân từ 60 cm-1,2m; 90% cây được trồng 1985 đến nay (khoảng 30 tuổi), có đường kính 40-50 thuộc nhóm ưu tiên đánh chuyển.
“Chỉ chặt những cây cong vẹo, xấu xí, sâu, già cỗi, ko đánh bầu, đánh đảo được. Sẽ chọn đơn vị đánh chuyển đủ kinh nghiệm, cây phải sống phải nhiều” – ông Dục nói.