Bên cạnh đó, Sở Công thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất chỉ đạo chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp khẩn trương hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung và đấu nối xử lý nước thải với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; cấm và hạn chế cấp giấy chứng nhận đầu tư vào khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương nơi có khu công nghiệp và cụm công nghiệp cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, đồng thời với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tới các chủ doanh nghiệp và người dân.
Bể chứa trong hệ thống xử lý nước thải của bãi rác Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Ngô Lịch/TTXVN)
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai xây dựng 107 cụm công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.190ha. Trong đó, có 59 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 48 cụm không quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tuy nhiên, qua kiểm tra 42 khu-cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, hiện mới có 25 cụm có quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tập trung, 17 cụm không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Để đảm bảo 100% các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải, Sở Công thương đang tiến hành rà soát lại các cụm, khu công nghiệp và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cụm công nghiệp báo cáo Chính phủ.
Theo kế hoạch, trong năm nay, Sở tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của 7 cụm công nghiệp; năm 2015 đầu tư xây dựng 9 cụm; năm 2016 đầu tư xây dựng 3 cụm; 6 cụm công nghiệp có quy mô nhỏ, các doanh nghiệp thuê đất trong cụm phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 7 cụm còn lại không thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống do đã chuyển đổi công năng và không phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030./.
Theo vietnam+