“Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người mắc bệnh đường hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. TP.HCM là khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất trong cả nước, tiếp đến là Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng” Đó là nội dung đáng chú ý tại báo cáo môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố chiều ngày 18-9.
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí thường tập trung cao ở các đô thị có mật độ giao thông lớn như TP.HCM, Hà Nội, Biên Hòa (Đồng Nai).
Đối với các khu dân cư nằm trong các đô thị lớn chịu ảnh hưởng của giao thông và phát triển về công nghiệp, mức độ ô nhiễm không khí vượt nhiều lần ngưỡng cho phép. Đặc biệt, ngưỡng ồn đo được ở các tuyến phố chính tại các đô thị lớn ở Việt Nam đều vượt ngưỡng ồn cho phép.
Theo công bố, ô nhiễm không khí có những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặt biệt là đối với đường hô hấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi môi trường không khí bị ô nhiễm, sức khỏe con người bị suy giảm, quá trình lão hóa trong cơ thể con người bị thúc đẩy, chức năng của phổi bị suy giảm.
Điều này gây nên bệnh ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn. Đồng thời, gây suy giảm thần kinh, tim mạch và làm giảm tuổi thọ con người. Nguy hiểm nhất là ô nhiễm không khí có thể gây ra bệnh ung thư phổi.
Các nhóm người nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí là những người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi và người mang bệnh phổi, tim mạch, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời… Mức độ ảnh hưởng đối với từng người tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Ông Thùy cho biết, thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây, tại Bệnh viên Nhi đồng I, TP.HCM cho thấy, số trẻ nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm tai giữa, bệnh suyễn hay dị tật bẩm sinh tăng mạnh từng năm.
Cơ quan quốc tế chuyên về nghiên cứu ung thư thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã xếp ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người.
Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người gồm các khoản chi phí: khám và mua thuốc chữa bệnh, tổn thất mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm.
“Giải pháp để bảo vệ môi trường không khí là nâng cấp chất lượng giao thông đô thị. Cùng với đó, tiếp tục duy trì và tăng cường phun nước và quét đường. Mặt khác, kiểm tra chặt việc rửa sạch, vệ sinh các phương tiện trước khi đi vào khu vực nội đô. Bên cạnh đó, tăng mật độ cây xanh trong các đô thị, trồng thêm cây trên các đường phố, mở rộng các công viên.” Ông Thùy nói.