Giá cao gấp ba lần
Ông Nguyễn Văn Liên, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi xã Cổ Nhuế, bức xúc: “Lúc đầu chúng tôi không hiểu mình đã mắc lỗi gì vì các hộ vẫn đóng đầy đủ tiền nước hàng tháng. Chừng đi khiếu nại mới hay UBND xã Cổ Nhuế nợ tiền nước của xí nghiệp...”.
Trong thời gian chờ Ủy ban xã khắc phục, một số hộ phải khoan giếng, số khác mua nước sạch đóng bình để dùng. Bà Nguyễn Thị Hồng, xóm 4B, than thở: “Ở đây gần nghĩa trang nên chất lượng nước giếng khoan không được đảm bảo. Song chúng tôi buộc lòng phải dùng nước giếng để nấu nướng vì không còn cách nào khác. Mới đây, xã lại đòi tăng giá nước rất cao, chúng tôi đóng không nổi!”.
Cũng theo ông Liên, đây không phải là lần đầu xã tăng giá nước. Ban đầu xã chỉ thu 2.000 đồng/m3, sau đó là 3.000-6.000 đồng/m3 và bây giờ là 9.000 đồng/m3, cao hơn ba lần giá quy định của xí nghiệp! Tiền đóng nhiều nhưng mọi người cứ bị cắt nước liên tục.
Tháng 5-2007, nước bị cắt ba tuần cũng vì xã nợ tiền xí nghiệp gần 100 triệu đồng. Từ tháng 5 đến tháng 9, số tiền này đã lên hơn 190 triệu đồng. Nhiều bà con không hài lòng: “Chẳng rõ xã làm ăn kiểu gì mà nợ ghê hồn và người dân toàn lãnh hậu quả!”.
Thất thoát hay thiếu minh bạch?
Theo ông Trần Xuân Cương, Phó Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, mỗi ngày xí nghiệp cung cấp chừng 460 m3 nước sạch cho xã với giá 2.800 đồng/m3. Sau đó, xã bán lại cho các hộ dân với giá 6.000 đồng/m3, lãi gần 1,5 triệu đồng/ngày từ số thu chênh lệch.
Ông Cương đề nghị xã phải cố gắng trả nợ để bà con có nước sạch sử dụng, bởi lẽ “với giá cao nêu trên thì dù có thất thoát đến 50%, UBND xã vẫn đủ khả năng trả tiền nước và chi phí nhân công, vận hành”.
Phía ban quản lý nước sạch xã khăng khăng: Từ tháng 4 đến 9, xã bị lỗ hơn 25 triệu đồng tiền nước. Ngoài ra, do hệ thống đường nước quá cũ và đã hư hỏng nên tỷ lệ thất thoát rất lớn, thu không đủ bù chi. Để có thể tiếp tục cung cấp nước sạch cho nhân dân, xã phải tăng giá nước để bù vào số thất thoát.
Ông Phạm Gia Thuận, Trưởng ban quản lý nước sạch xã Cổ Nhuế, cho biết mức thất thoát trung bình hàng tháng không phải 50% mà đến 59%. Tính ra mỗi tháng ban quản lý bị lỗ từ năm đến bảy triệu đồng. Việc thất thoát này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là đường ống chính dài 2,5 km do TP Hà Nội đầu tư đã bị hư hỏng và xã không có khả năng sửa chữa.
Con số thất thoát nêu trên có thực và đâu là vai trò quản lý của chính quyền nhằm giúp người dân có đủ nước sạch để sử dụng? Rất tiếc, chúng tôi vẫn chưa hẹn gặp được lãnh đạo UBND xã Cổ Nhuế để có câu trả lời xác đáng.
Một cán bộ xã tỉnh queo: Việc duy nhất có thể làm bây giờ là người dân phải chấp nhận trả giá nước cao 9.000 đồng/m3 để xã bù lỗ. Nếu không, bà con phải ráng chờ hệ thống nước sạch của khu vực Cổ Nhuế mà TP Hà Nội đã có quyết định đầu tư vào năm 2008.
TIẾN CẦU