Hà Nội khẳng định cây phượng phù hợp trồng tại dải phân cách

Trước các ý kiến phản biện việc Hà Nội sẽ trồng phượng tại dải phân cách một số tuyến đường nội đô vì cho rằng loại cây này tán rộng thấp, vòng đời ngắn, dễ gãy đổ, cản trở tầm nhìn người đi đường…, đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội đã lên tiếng và khẳng định việc lựa chọn cây phượng là phù hợp.

Ông Nguyễn Nguyên Trà, Trường phòng Hạ tầng Môi trường và công trình ngầm,  Sở Xây dựng TP Hà Nội cho hay: Cây phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng khoảng những năm cuối thế kỷ 19 tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Tại Hà Nội, người Pháp đã trồng phượng vĩ trên các dải phân cách của một số tuyến đường như Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Tri Phương… Đây là loại cây tái sinh hạt và chồi đều mạnh, có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình.

Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khỏe, phát triển nhanh, không kén đất, rất dễ gây trồng. Cây thân gỗ, sống từ 50-80 năm, trừ những cây bị sâu mục, gãy đổ. Đặc biệt, loại cây cao vừa phải khoảng 5-12 m, có tán lá tỏa rộng và các tán lá khá dày, tạo bóng mát tốt, rễ cọc nên ít đổ trong mùa mưa bão. Với điều kiện thời tiết khí hậu của Hà Nội, phượng rụng lá trong thời kỳ khô hạn. Phượng vĩ tại Hà Nội nở hoa rất đẹp vào dịp hè…

“Như vậy, đặc tính của cây phượng hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được những tiêu chí về cây trồng đô thị đã được nêu trong quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã được UBND TP Hà Nội  phê duyệt ngày 18-3-2014 (Quyết định số 1495/QĐ-UBND). Đây cũng là loại cây được khuyến khích trồng tại đô thị giống như bằng lăng, vàng anh…” - ông Trà nói.

Cũng theo ông Trà, việc trồng phượng tại dải phân cách ở một số tuyến phố trên không ảnh hưởng tới an toàn giao thông. Ông Trà phân tích: Việc trồng bóng mát ở dải phân cách có nhiều ưu điểm như ít công trình ngầm, không gian ngầm dành cho phát triển bộ rễ thực chất không nhỏ do tuy hẹp về chiều ngang nhưng chiều dọc lại gần như dành toàn bộ cho cây. Do đó cây hoàn toàn có thể phát triển bình thường.

Thành phố đang thực hiện trên dải phân cách giữa những tuyến phố lớn tạo thành ba tầng xanh: cỏ, cây bụi và cây tầm cao có hoa đẹp. Mặt khác, hiện ta đã có thiết bị, máy móc hiện đại cho phép cắt tỉa cây đảm bảo mỹ thuật. Cây phượng nếu được cắt tỉa tốt rất đẹp: có hoa, tán tròn, hạn chế sâu bệnh, gẫy đổ…, phù hợp cây đường phố. 

Cũng theo ông Trà, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây đô thị không khỏe là do hạ tầng đô thị trong nội thành cũ quá nhỏ, trong khi phần lớn các cây đô thị của Hà Nội là loại cây gỗ lớn, cần điều kiện không gian rộng để sinh trưởng. Và đây là chính là yếu tố bất hợp lý nhất trong vấn đề cây xanh đường phố Hà Nội, cần phải thay đổi.

Theo đó, tại quy hoạch cây xanh, thành phố đã đề ra giải pháp trồng cây bonsai tầm trung. “Kỹ thuật này sẽ tạo ra những cây bonsai cao tầm khoảng 4-8 m từ những loài cây đường phố hiện nay như nhội, muồng, phượng, me, sanh, đa, đề, lộc vừng v.v. Những cây đó sẽ ổn định luôn về dáng, tán từ vườn ươm, có hình thức trưởng thành, đẹp đẽ. Sau đó, chúng sẽ được trồng trong những chậu lớn chôn dưới đất, với những thành phần đá, nước, mùn v.v. như theo kỹ thuật trồng bonsai trên chậu. Hằng năm, chúng ta sẽ mất công chăm sóc, cắt tỉa nhưng những cây này có giá trị lớn, càng ngày càng tăng giá trị, tạo cảnh quan đẹp, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng, đường điện, nhà cửa” - ông Trà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới