Theo ông Viện, trước khi cắm biển cấm taxi trên 11 tuyến phố, Hà Nội đã nghiên cứu rất kỹ. Những phố cắm biển là tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông.
“Thực tế cho thấy một số tuyến phố sau khi có biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã giảm ùn tắc. Tuyến đường nào giảm ùn tắc, chúng tôi sẽ gỡ biển cấm taxi và xe hợp đồng. Vì vậy, Sở sẽ không xem xét gỡ biển cấm xe taxi ở 11 tuyến phố”, ông Viện nói.
Hà Nội sẽ không xem xét gỡ biển cấm taxi ở 11 tuyến phố.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết có 2 tuyến phố vừa được Sở gỡ biển cấm taxi vì đã giảm ùn tắc là Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Ngọc Hà đến Mai Xuân Thưởng).
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT TP Hà Nội kiến nghị dỡ bỏ biển cấm taxi trên các tuyến phố.
Theo đó, đơn vị này cho rằng trước những thay đổi của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của công nghệ, các thành viên Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận thấy cần phải thay đổi để theo kịp xu thế. Trong đó, cần phải đầu tư để nâng cao chất lượng và đặc biệt là phải xây dựng hình ảnh đẹp về taxi thủ đô với những chuẩn mực tốt nhất. Để đạt được mục tiêu đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội rất cần những chính sách, giải pháp đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các doanh nghiệp vận tải.
Ngày 20-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các TP trực thuộc trung ương. Trong đó, nêu rõ ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, du lịch, taxi trong tổ chức giao thông đô thị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện công cộng, từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Vì vậy, Hiệp hội Taxi Hà nội nhận thấy đây là một chủ trương rất đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng. Trong đó, taxi sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy người dân giảm phương tiện giao thông cá nhân.
“Nhằm hiện thực hóa chủ trương này, đơn vị kính đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT TP Hà Nội xem xét, tạo điều kiện cho phép tất cả taxi Hà Nội được tham gia vận chuyển hành khách bình đẳng như các loại hình vận chuyển hành khách công cộng khác bằng cách gỡ bỏ toàn bộ biển cấm taxi tại các tuyến phố hiện nay (cả theo các khung giờ)…” - ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nói.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia giao thông cho biết các nước trên thế giới họ thường cắm biển cấm xe cá nhân đi vào các khu phố, tuyến đường vào giờ cao điểm và cho phép các phương tiện công cộng di chuyển vào khu vực trên. Tuy nhiên, Việt Nam lại đi ngược lại là cấm xe công cộng. Để lý giải việc cấm này, các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng theo quy định hiện hành họ được quyền tổ chức giao thông. Nhưng về lâu dài cần phải xem xét lại quy định này.
Ông Bùi Danh Liên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc cấm taxi vào các giờ cao điểm hiện nay là trái với Luật Giao thông đường bộ. “Vì taxi là một loại hình vận tải công cộng và phải di chuyển thường xuyên nên việc cấm taxi hoạt động là bất hợp lý, cần phải sửa đổi. Cái này chúng tôi và các chuyên gia đã nói nhiều rồi nhưng đến nay vẫn không được giải quyết...” - ông Liên nói.