Hà Nội tạm thời cấm shipper giao hàng trong lúc giãn cách

Sáng 24-7, Hà Nội đã tổ chức hội nghị thông tin với báo chí về việc Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố 15 ngày (từ 6 giờ sáng ngày 24-7) theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
3 đối tượng ưu tiên đi lại trong thời gian giãn cách
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong thời gian này TP Hà Nội sẽ tạm thời cấm đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) bởi chưa kiểm soát được lực lượng này.
“Ngay sau đây Sở Giao thông vận tải sẽ có văn bản chính thức và gửi đến các đơn vị công nghệ kết nối loại hình dịch vụ này để triển khai nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của TP” - ông Viện cho hay.
Ông Viện cũng cho biết, trong thời gian TP thực hiện giãn cách chỉ có 3 đối tượng ưu tiên đi lại gồm: Xe chở hàng hoá đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá trên “luồng xanh” quốc gia, có lộ trình đi qua Hà Nội. Các tuyến xe sẽ chạy theo đường vành đai 3 và đi các tỉnh, không chạy vào bên trong trung tâm.
Thứ hai là xe chở hàng hoá thiết yếu cho TP Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND TP.


Hà Nội sẽ tạm thời cấm shipper giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: TP

Thứ ba là xe chở người và các phương tiện phục vụ, hoạt động công vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ông Viện cho hay, để phục vụ các đối tượng ưu tiên lưu thông, chủ các phương tiện thực hiện cấp giấy phép “luồng xanh” quốc gia trên Cổng dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ, việc cấp không quá 4 phút và sau khi nhận được đầy đủ thông tin, Sở GTVT sẽ cấp ngay trong thời gian không quá 1 phút, hoàn toàn thực hiện trên mạng internet.
Sau khi hoàn thành thủ tục in giấy và dán trên xe. Ngoài “luồng xanh” thì đối với hàng hoá mau hỏng cần phải vận chuyển nhanh thì có thêm phù hiệu “hàng hoá mau hỏng”, đảm bảo nhanh gọn lưu thông.
Bên cạnh 22 chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô, Hà Nội dự kiến bố trí thêm 30 chốt ở TP, 26 chốt tại các quận huyện để kiểm soát dịch.
Về ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát, ông Viện cho hay: “Sở đang phối hợp để tổ chức chốt thành nhiều lớp. Ví dụ ở chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ có một lớp thì tới đây đề xuất tổ chức thành 3 lớp, một là trước trạm thu phí để cho những đối tượng phải quay đầu phải quay ngay. Đối với những đối tượng chở hàng hoá được phép đi qua thì tổ chức kiểm tra ở trạm thứ 2, bên trong trạm thu phí. Với xe vận tải lớn như containner thì kiểm tra ở chốt thứ 3 để tránh tối đa ùn tắc”.
Không để dân thiếu lương thực, thực phẩm
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường, với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu.
Lượng hàng hoá thiết yếu dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng của TP và một số tỉnh lân cận. Từ khi có Công điện 15 các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng dự trữ hàng ngày tăng 30% ngay tại hệ thống quầy kệ và kho hàng trung tâm; bố trí nhân lực triển khai bán hàng hoặc bán hàng online.


Chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn được mở cửa với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TP

“Hiện nay TP vẫn bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ngay sáng nay, thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hàng hóa và sức mua vẫn bình thường. Các chợ dân sinh chấp hành nghiêm quy định của, chỉ bán mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh. Nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá” - bà Lan nói và khẳng định TP đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống dịch.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lý giải việc toàn thành phố giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 là “hết sức cần thiết”.
“Từ 27-4 đến nay toàn TP có 675 ca, nhưng có tới 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Hà Nội còn là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia, nếu không đảm bảo phòng chống dịch tốt thì sẽ tác động rất lớn đến cả nước”- ông Phong nói.


Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: TP

Ông cho biết thêm, Thủ tướng đã yêu cầu TP Hà Nội phải bảo đảm thành trì của Thủ đô và bảo vệ được thành quả chống dịch trong thời gian qua, do đó cần thiết phải áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn TP.

Ông Phong cũng đề nghị người dân yên tâm vì ngành y tế của TP đã chuẩn bị các phương án về cách ly, điều trị, tiêm chủng cho mọi tình huống dịch. Bên cạnh đó, TP còn có sự hỗ trợ của hệ thống Y tế tuyến Trung ương, lực lượng vũ trang, công an, cả hệ thống y tế ngoài công lập. Ngành công thương chuẩn bị đẩy đủ hàng hoá thiết yếu, đảm bảo không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, giá cả tăng cao. TP cũng có phương án hỗ trợ cụ thể đến từng thôn xã đối cá nhân, tổ chức, đặc biệt là nhóm yếu thế… bị ảnh hưởng bởi dịch .
Chia làm bốn tầng điều trị
Tại hội nghị, Sở Y tế cho biết đã TP đã thực hiện kịch bản 1000 giường bệnh cho các ca COVID-19 nặng và đang xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 200000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.
Tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện, Hà Nội sẵn sàng có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.
Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.
Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.
Ngoài ra, ở địa bàn Hà Nội, với phương châm “4 tại chỗ”, ngoài các bệnh viện của Thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới