Hà Nội tăng giá 2.000 dịch vụ khám chữa bệnh ngoài BHYT

(PLO)- Hà Nội tăng giá gần 2.000 dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-3, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua các quy định liên quan đến giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Nghị quyết này căn cứ vào Thông tư 21/2023/TT-BYT ngày 17-11-2023 của Bộ Y tế, quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh mới trong các cơ sở y tế của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp.

dịch vụ khám chữa bệnh.jpg
Bệnh nhân xếp hàng đợi đến lượt khám tại bệnh viện. Ảnh: TT

Theo đó, Hà Nội điều chỉnh giá của gần 2.000 dịch vụ gồm: 10 dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá 6 dịch vụ ngày giường bệnh, và giá 1.938 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.

Mức tăng thấp nhất là 0% (không tăng giá) với các dịch vụ như sinh thiết u, tế bào học, dịch tổ chức (150.000 đồng/lần xét nghiệm), dịch vụ tắm điều trị bệnh nhân bỏng (220.000 đồng/lần/người), theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring (55.000 đồng), gây mê trong phẫu thuật mắt (500.000 đồng).

Mức tăng cao thứ 2 là 14,71% với dịch vụ tập dưỡng sinh (27.300 đồng). Các mức giá tăng còn lại trong khoảng từ 11%- 13%.

Mức tăng cao nhất là 170% với dịch vụ xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá các dịch vụ khám chữa bệnh, cơ quan trình nghị quyết cho biết việc điều chỉnh này đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với mức giá thu tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các cơ quan trung ương trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời, việc điều chỉnh giá hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa chữa bệnh của người không có và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám chữa bệnh; thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia BHYT (khoảng 6% dân số Hà Nội), từ đó thúc đẩy người dân tham gia BHYT, tạo công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung.

Trước đó, ngày 6-3, tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết, các chuyên gia cũng thống nhất rằng cần thiết ban hành các quy định về bổ sung giá vật tư, thuốc, tăng giá khám chữa bệnh không thuộc quỹ BHYT chi trả.

Tuy nhiên, cần đánh giá thêm tác động xã hội, công khai rõ ràng các dịch vụ để người dân dễ nhìn, dễ thấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm