Chiều ngày 25-8, tại hội thảo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương lân cận đã thảo luận về hiệu quả thực thi và những vướng mắc khi áp dụng Thông tư 13 của Bộ Y tế mới có hiệu lực từ 10 ngày trước.
Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết đang gặp nhiều lúng túng trong việc áp dụng Thông tư 13 của Bộ. Nhiều danh mục liên quan đến giá tối thiểu và giá tối đa được quy định với sự chênh lệch lên tới vài chục triệu đồng.
“Để xác định khung giá tối đa và tối thiểu tại Thông tư 13, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến các cơ sở KCB trên cả nước có cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu để thu thập giá dịch vụ này của từng đơn vị, từ đó có cơ sở để ban hành khung giá”, bà Hoàng Thị Bích Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết.
Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho biết phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu tại điều 4 của Thông tư vẫn chưa bao phủ được thực tiễn.
Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh THANH TÚ |
“Có nhiều dịch vụ trong danh mục rất khó định danh. Hơn nữa, thị trường liên tục có sự thay đổi về giá các thiết bị, vật tư. Từ khi Bộ Y tế đề xuất nghiên cứu, xây dựng, gửi văn bản thu thập ý kiến… cho đến khi hoàn thành Thông tư, chờ phê duyệt cũng mất một khoảng thời gian dài, và trong thời gian này, rất nhiều điều đã thay đổi.
Như vậy, Thông tư có thực sự đảm bảo, cập nhật được những thay đổi này hay không?”, ông Nguyễn Duy Ánh nêu ý kiến.
Đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng khẳng định cơ sở y tế này đã rất nỗ lực để áp dụng Thông tư 13 với khoảng 1000 danh mục kỹ thuật theo đúng quy định của Bộ từ ngày 15-8.
“Nhưng tôi khẳng định rằng cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện lớn thuộc Bộ, vẫn chưa áp dụng được Thông tư 13 vì liên quan đến hàng chục nghìn danh mục”, ông Nguyễn Duy Ánh nói.
Cùng với đó, theo chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nhiều dịch vụ mặc dù đã áp dụng mức “giá kịch trần” nhưng vẫn không đảm bảo được chi phí đầu tư.
Ông Ánh nêu sơ lược một số dịch vụ gặp phải tình trạng này như xông hơi bằng thuốc có giá tối đa là 100.000 đồng, trong đó tiền thuốc xông là 50.000 đồng, chưa tính các chi phí khác; sinh thiết phôi có giá tối đa là 10.218.000 đồng/bệnh nhân, với trường hợp bệnh nhân chỉ có 1 phôi thì mức giá này là quá đắt, bệnh nhân có 3 phôi thì mức giá là phù hợp, còn bệnh nhân có 4 phôi trở lên thì mức giá này không đủ chi phí.
Đối với nguyên tắc thực hiện dịch vụ KCB theo yêu cầu, Thông tư 13 nêu rõ các cơ sở KCB phải hạch toán và theo dõi riêng doanh thu, chi phí và phản ánh đầy đủ trên sổ kế toán, báo cáo tài chính.
Theo ông Ánh, tại các bệnh viện công hiện nay, phần lớn máy móc, thiết bị… đều được sử dụng chung, không thể tách riêng các dịch vụ, trang thiết bị, nguồn nhân lực...
Về tổ chức thực hiện, Thông tư 13 nêu rõ các cơ sở KCB có trách nhiệm bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề. Theo ông Ánh, quy định này là không phù hợp, cũng không rõ ràng.
“Nếu làm dịch vụ, chúng ta nên dựa vào năng lực của từng đơn vị thay vì đưa ra con số 20% một cách cứng nhắc.
Nếu nhiều người có thể sử dụng dịch vụ KCB theo yêu cầu thì chúng ta nên vui mừng, tự hào vì người dân đã có điều kiện tài chính tốt hơn, quan tâm đến sức khỏe hơn, thay vì nói với họ rằng tôi không thể cung cấp dịch vụ nữa vì đã đủ 20%, trong khi mặt bằng và nguồn lực vẫn còn…
Hơn nữa, những năm trước liền kề đều là những năm đặc biệt do ngành Y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vậy, năm trước liền kề mà Thông tư 13 đề cập nên được tính như thế nào?”, ông Ánh băn khoăn.
Ghi nhận những ý kiến trên, đại diện Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Minh Nga, Chuyên viên của Vụ Kế hoạch tài chính, cho biết Thông tư 13 đã được nghiên cứu và xây dựng trong suốt 5 năm, khẳng định thông tư này có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ sở y tế.
Nếu không có những quy định này thì các đơn vị không thể dựa vào đâu và phải tự ban hành, thủ trưởng đơn vị tự quy định, cũng không thuộc thẩm quyền của hội đồng nhân dân.
Chuyên viên của Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Thị Minh Nga giải đáp băn khoăn của lãnh đạo các cơ sở y tế. Ảnh THANH TÚ |
“Trước khi Bộ ban hành khung, các cơ sở y tế đều chủ động xây dựng muôn vàn quy định dựa theo năng lực thực tiễn của mình.
Do vậy, Bộ cần phải xây dựng bộ nguyên tắc và phương pháp, dựa trên khảo sát bình quân các cơ sở y tế, để thống nhất mức giá phù hợp nhất, và chính Quốc hội đã yêu cầu Bộ phải ban hành quy định về dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, đảm bảo mức giá được kiểm soát và không phải do bác sĩ tự đặt, người bệnh tự theo”, bà Nga nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà bày tỏ quan điểm rằng căn cơ sâu xa mà Thông tư 13 chưa đề cập đến là định mức kinh tế - kỹ thuật.
“Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong thời gian vừa qua để cho ra đời Thông tư 13, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung thiếu cập nhật, chắp vá và chưa theo kịp thực tiễn, vì thế gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cần có chiến lược dài hơi để xây dựng, điều chỉnh các văn bản, quy phạm pháp luật”, bà Hà nói.
Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023.
“Chúng ta có 4 tháng để áp dụng theo những quy định của Thông tư này, sau đó sẽ xem xét, đánh giá để tiếp tục có những hướng dẫn liên quan”, bà Nguyễn Thị Minh Nga nói.