Bộ GTVT vừa gửi Quốc hội báo cáo thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
Theo Bộ GTVT, mạng lưới đường sắt quốc gia bao gồm 19 tuyến đi qua địa bàn 34 tỉnh/TP. Thời gian qua, một số dự án đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu nên hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu, còn nhiều điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Tuyến tàu điện một ray ở một số nước trên thế giới. Ảnh: Internet
Đối với đường sắt đô thị, dự kiến đầu năm 2019 đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh-Hà Đông (hiện đang chạy thử). Còn hai tuyến metro tại TP.HCM (Bến Thành-Suối Tiên và Bến Thành-Tham Lương), Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo báo cáo Bộ Chính trị có ý kiến về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong đó, dự kiến tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2020.
Bộ GTVT cho biết giai đoạn đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có. Trong đó, ưu tiên nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam để đạt tốc độ 50-60 km/giờ đối với tàu hàng và 80-90 km/giờ đối với tàu khách. Đồng thời nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm; các nhà ga có lượng hành khách lớn; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.
Giai đoạn tiếp theo (2020-2030) ngoài việc khai thác hiệu quả đường sắt hiện có sẽ xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu 160-200 km/giờ), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai. Trong đó, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc-Nam theo khả năng huy động vốn.
Bên cạnh đó sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cho các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế với tỉ lệ nội địa hóa 60%-80%.
Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc-Nam. Sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao 350 km/giờ; hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa; hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn.
Đồng thời phát triển các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế theo hướng hiện đại. Trong đó, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng tám tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km. Đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.
Tương tự, TP.HCM cũng xây dựng tám tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP, chủ yếu đi ngầm trong nội đô, với chiều dài khoảng 173 km. Đồng thời xây dựng ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với chiều dài khoảng 57 km.
Các dự án metro được ưu tiên Các dự án đường sắt đô thị được Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án đang triển khai trên địa bàn TP Hà Nội (tuyến số 1, Yên Viên-Ngọc Hồi, giai đoạn 1; tuyến số 2A, Cát Linh-Hà Đông; tuyến số 2, Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; tuyến số 3, Nhổn-Ga Hà Nội) và trên địa bàn TP.HCM (tuyến số 1, Bến Thành-Suối Tiên và tuyến số 2, Bến Thành-Tham Lương). |