UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để bộ này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư. Theo đó, Hà Nội cho biết trên địa bàn TP có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư cũ (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2 ha) và 306 chung cư cũ độc lập có quy mô 2-5 tầng.
Đề nghị cưỡng chế đối với hộ không đồng thuận
Các chung cư cũ trong các khu chung cư và chung cư cũ độc lập là các công trình xây dựng cấp 3 hoặc cấp 4, được xây dựng trong những năm 1960-1992, chủ yếu tập trung tại bốn quận nội thành cũ (với 969 chung cư cũ thuộc khu vực hạn chế phát triển, trong đó quận Ba Đình có 211 nhà, Hoàn Kiếm có 99 nhà, Đống Đa có 415 nhà và Hai Bà Trưng có 244 nhà).
“Trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời do không được sửa chữa bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị xuống cấp dẫn đến nhiều chung cư xuống cấp, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm (nhà cấp độ D)” - báo cáo của Hà Nội chỉ rõ.
Theo đó, Hà Nội cho biết trong các chung cư cũ trên có sáu chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm (cấp độ D), có nguy cơ đổ sập. Các chung cư này gồm: Đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ; nhà chung cư C1 khu tập thể Thành Công, phường Thành Công; đơn nguyên 3, nhà C8 tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ; đơn nguyên 1, 2 nhà GA6A, phường Thành Công; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị.
Một nhà chung cư cũ tại Hà Nội trông nhếch nhác và xuống cấp nghiêm trọng.
Hà Nội cũng cho biết khi cải tạo chung cư cũ thì việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách hiện tại của TP chưa được người dân đồng thuận, nhất là các hộ tại tầng một. Điều này khiến các chủ đầu tư phải thương lượng, hỗ trợ thêm với các hộ dân theo hướng tăng hệ số K lớn hơn quy định. Mặt khác, hệ số K không thống nhất giữa dự án gây khó khăn cho việc thỏa thuận của chủ đầu tư với các hộ dân…
Từ một số khó khăn này, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở về cải tạo nhà chung cư theo hướng: “Chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này nhưng được trên 70% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại chung cư thông qua hội nghị chung cư”. Đồng thời bổ sung quy định chế tài được cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ.
Đề nghị được chỉ định thầu cải tạo chung cư cũ
Văn bản của Hà Nội cũng cho biết hiệnTP đã giao 19 nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai lập quy hoạch chi tiết để cải tạo các khu chung cư cũ. Đến nay đã có một khu chung cư cũ được UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, đó là khu tập thể Nguyễn Công Trứ; một chung cư cũ được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc (ba tầng đường Lê Hồng Phong, Hà Đông); ba khu đang triển khai theo nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và đã cơ bản hoàn chỉnh đồ án quy hoạch (Hào Nam, Quỳnh Mai và Nghĩa Tân).
Ngoài ra, có 16 khu chung cư cũ đã được các nhà đầu tư triển khai lập ý tưởng quy hoạch và báo cáo UBND TP làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo quy định. Đồng thời, UBND TP cũng đã giao các sở, ngành tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư tổ chức lập quy hoạch các khu chung cư cũ còn lại.
Để khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa tham gia cải tạo khu chung cư cũ, Hà Nội đề nghị trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư quy định thì Hà Nội được phép chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị được thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trước khi thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án và chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư làm cơ sở để triển khai dự án.
Hà Nội cũng đề nghị được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình khi cải tạo, xây mới chung cư cũ tại khu vực nội đô lịch sử thay vì khi thực hiện mỗi dự án lại “một lần đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận".