Để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung quan trọng này, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu đối với tổ chức, công dân trong quá trình tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính.
Phải khẳng định không phải là tất cả nhưng đâu đó trên cả nước vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn có thái độ kiêu căng, hách dịch, máy móc trong giải quyết thủ tục hành chính khiến người dân bức xúc. Cá biệt có những cán bộ, công chức còn tỏ thái độ hách dịch, cửa quyền, bề trên khi tiếp xúc và giải quyết hồ sơ đối với các tổ chức và công dân. Có những cán bộ khi dân đến phản ánh không tiếp, bỏ đi. Có những cán bộ, công chức khi nói chuyện với nhau gọi dân là thằng này, thằng kia. Có cán bộ lên mặt dạy dời, quát nạt, đe dọa dân. Có những vụ việc không hẳn là phức tạp mà người dân ôm đơn đi lại quá nhiều lần. Có những đơn vị ngay trong giờ hành chính nhưng dân tới không có người làm việc…
Tất cả biểu hiện nêu trên dù là ít nhưng đã làm cho một bộ phận người dân bức xúc; ngại đến các cơ quan công quyền; tìm cách né luật, lách luật; chung chi cho xong chuyện và dẫn tới cậy vào “cò”, vào “vạc” giải quyết cho êm xuôi. Đó là những tác hại khôn lường về mặt chính trị-xã hội không thể cân đo đong đếm.
Trong thực tế, việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay vẫn mới chỉ chú ý đến chuyên môn, nghiệp vụ mà chưa coi trọng vấn đề giáo dục đạo đức nói chung, đạo đức công vụ nói riêng. Chúng ta không phải không có những quy định về vấn đề này nhưng từ quy định đến thực thi là một quãng đường dài, nhiều khi là vô tận.
Trước hết cần mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại công khai giữa chính quyền các cấp với người dân, nhất là ở những vụ việc phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư. Vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức của TP.HCM về cơ bản rất bài bản, khoa học nhưng khi đã được tuyển dụng cần phải thường xuyên bồi dưỡng đạo đức, đạo đức công vụ cho đội ngũ này.
Với nghị quyết của HĐND TP.HCM về triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, lương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP sẽ là 1,8 lần mức lương tối thiểu kể từ năm 2020, đây là động lực, là điều kiện thuận lợi để TP tăng cường tuyển dụng được những người có chuyên môn và đạo đức vào các cơ quan nhà nước. Vì vậy cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ, công chức có hành vi hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với các tổ chức và công dân khi đến các cơ quan công quyền làm các thủ tục hành chính… Để giải quyết tận gốc tình trạng cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ, công chức không phải là một việc dễ dàng và có thể làm ngay trong một sớm một chiều nhưng nếu không bắt tay vào thực hiện ngay lúc này, e rằng hậu quả mà tình trạng này gây ra sẽ là rất lớn.
UBND TP.HCM đã ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP. Quy định đã có và khá đầy đủ, vấn đề còn lại là thực hiện đến đâu.