Tại buổi họp báo ngày 22-4, khi thông tin cho báo chí về chỉ đạo của Thủ tướng, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói: “Phải truy tận gốc động cơ nào để xử lý chủ quán Xin Chào theo hướng hình sự như vậy!”. Không biết cơ quan chức năng có truy ra được động cơ hay không nhưng rõ ràng có hai điều bất thường trong xử lý của Công an huyện Bình Chánh trong cả hai vụ Xin Chào và “chòi vịt”.
Một là vì sao công an huyện chen ngang để xử hình sự?
Hồ sơ vụ việc thể hiện ông Bỉ có hai lần xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng và lần lượt bị UBND huyện Bình Chánh ra hai quyết định xử phạt hành chính. Nếu ở lần một, UBND huyện Bình Chánh thi hành suôn sẻ và ông Bỉ đã tự nguyện thực hiện xong thì ở lần hai UBND huyện đã bị đề nghị dừng lại.
Cụ thể, ngày 14-12-2015, khi UBND huyện đang thi hành quyết định xử phạt hành chính lần hai thì CQĐT công an huyện có công văn đề nghị UBND huyện tạm đình chỉ thi hành và hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính. Từ đó, UBND huyện đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt hành chính, đồng thời chuyển hồ sơ sang CQĐT. Sau đó, công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Bỉ.
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tố tụng hình sự. Với quy định này thì trong nhiều vụ xử lý hành chính hành vi xây dựng nhà ở trái phép, do nắm chi tiết hồ sơ để có thể phát hiện dấu hiệu tội phạm nên UBND các địa phương đã chủ động chuyển nhiều hồ sơ sang CQĐT để xem xét về hình sự. Cách xử lý này là hợp lý, bình thường.
Riêng trong vụ việc ông Bỉ, khi UBND huyện chưa có ý kiến gì thì không biết căn cứ vào đâu mà CQĐT công an huyện lại “nhìn thấy” có dấu hiệu tội phạm để chen ngang xử lý hình sự?
Hai là hà cớ gì công an huyện đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh quán Xin Chào?
Hiếm có vụ án hình sự nào được xử lý cấp tập như vụ chủ quán cà phê Xin Chào. Từ lúc phát hiện vi phạm hành chính đến khi khởi tố hình sự chỉ diễn ra trong vòng một tháng 13 ngày!
Đặc biệt, sau khi ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Tấn tội kinh doanh trái phép, Công an huyện Bình Chánh có văn bản đề nghị UBND huyện Bình Chánh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ ông Tấn.
Cứ cho rằng ông Tấn có tội đi thì tội kinh doanh trái phép theo khoản 1 Điều 159 BLHS có mức hình phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm, tức ông Tấn chắc chắn không bị đi tù. Ngoài ra, hình phạt bổ sung ở tội này cũng chỉ là phạt tiền (từ 3 triệu đến 30 triệu đồng) chứ không hề cấm người phạm tội không được kinh doanh, hành nghề. Vậy thì ông Tấn và gia đình ông vẫn cần phải kinh doanh quán cà phê (sau khi bổ sung giấy tờ cần thiết) để mưu sinh. Tại sao công an huyện lại đề nghị rút giấy phép, triệt đường mưu sinh của ông và gia đình? Điều này quả thật rất bất thường và bất nhẫn.
Cũng may, sau đó Phòng Kinh tế đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành để tham mưu cho UBND huyện Bình Chánh rằng ông Tấn không thuộc trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.