Hài hòa hóa pháp luật giúp các quốc gia ASEAN giảm thiểu xung đột pháp luật

(PLO)- Thông qua quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN, các nước thành viên đang tìm được tiếng nói chung nhằm giảm thiểu xung đột pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-7, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia ASEAN hướng tới phát triển toàn diện và bền vững.

Tham gia hội thảo có GS-TS Võ Khánh Vinh (Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành luật, chuyên gia đến từ Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội); GS-TS-NGƯT Mai Hồng Quỳ (Trường ĐH Sài Gòn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM); thẩm phán Trần Quốc Tuấn (Chánh tòa Kinh tế, TAND tỉnh Long An); bà Ngô Minh Hồng (Chủ tịch Hội Công chứng viên TP.HCM)...

hai-hoa-hoa-phap-luat-PGS.TS nhiem.jpg
PGS-TS Vũ Văn Nhiêm (Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: UL

Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan Tổng Lãnh sự của một số nước tại TP.HCM; các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu lớn của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Vương quốc Bỉ...

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Vũ Văn Nhiêm (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến quá nhiều sự biến động có tính phức tạp, khó lường, quá trình toàn cầu hóa đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự bất ổn, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng... là những thách thức không hề nhỏ đối với Cộng đồng ASEAN. Một trong những điều kiện mang tính chất nền tảng quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển của ASEAN là thực hiện yêu cầu hài hòa hóa pháp luật, hướng tới xây dựng các khung pháp lý chung của ASEAN trên nhiều lĩnh vực, thông qua đó thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng của khu vực.

hai-hoa-hoa-phap-luat-QC.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Theo PGS-TS Nhiêm, hội nhập ASEAN và hài hòa pháp luật trong ASEAN có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính quá trình hội nhập đã làm phát sinh nhu cầu hài hòa hóa pháp luật và ngược lại hài hòa hóa pháp luật thúc đẩy làm cho quá trình hội nhập càng trở nên sâu rộng, hiệu quả hơn. Hài hòa hóa pháp luật tạo cơ sở cho sự hình thành một thể chế liên kết khu vực dựa trên nền tảng luật lệ, một cộng đồng ASEAN thống nhất trong sự đa dạng. Thông qua quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN, các nước thành viên đang tìm được tiếng nói chung nhằm giảm thiểu các xung đột pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể.

Vì vậy, hội thảo này nhằm tạo diễn đàn khoa học để trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Ông Nhiêm mong rằng hội thảo sẽ được lắng nghe các bài phát biểu, các ý kiến phân tích, bình luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về chủ đề hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN. Trên cơ sở đó, hội thảo sẽ có được những đóng góp có giá trị về mặt khoa học pháp lý cho các vấn đề liên quan đến tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN.

hai-hoa-hoa-phap-luat-BCT.jpg
Chủ tọa một phiên làm việc. Ảnh: YC

Hội thảo gồm ba phiên làm việc. Phiên thứ nhất là hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN: cơ hội và thách thức. Phiên thứ hai là định vị tương lai cho một ASEAN thống nhất trong đa dạng. Phiên thứ 3 là phát triển bền vững trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể trong ASEAN và các quốc gia thành viên.

Tại phiên thứ nhất, ThS Trần Thị Ngọc Hà (giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tham luận về Luật So sánh và tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong Cộng đồng ASEAN

Theo ThS Hà, hài hòa hóa pháp luật trong khu vực ASEAN là yêu cầu và đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập trong ASEAN. Quá trình hội nhập yêu cầu các quốc gia phải tiến tới sử dụng một “ngôn ngữ” chung, trong đó có pháp luật...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm