Những biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới phủ bóng hội nghị sáng nay, 14-4, của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), bàn về thị trường xăng dầu 2022.
Khái quát diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và Việt Nam, Phó chủ tịch VINPA Trịnh Quang Khanh đánh giá xung đột địa chính trị Nga - Ukraine cùng với các biện pháp cấm vận của Mỹ, EU với Nga - nhà xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn trên thế giới đang gây những tác động khó lường tới thị trường năng lượng.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch VINPA báo cáo đánh giá thị trường xăng dầu năm 2022. Ảnh: AN HIỀN |
Diễn biến khó lường
Tháng 1, khi chiến sự chưa nổ ra, giá dầu thô đã tăng 17-18% do nguồn cung thiếu hụt khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt giúp kinh tế toàn cầu phục hồi. Đến tháng 2-3, căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine và các loạt trừng phạt của phương Tây vào Nga đã đẩy giá dầu vọt lên trên 100 USD, rồi nhanh chóng vượt ngưỡng 110 USD/thùng.
Thị trường từng kỳ vọng vào nguồn cung Iran nếu các đàm phán hạt nhân đạt bước tiến tích cực, nhưng thực tế đã ngược lại. Tin Mỹ và phương Tây cân nhắc cấm vận dầu thô của Nga cùng việc vòng đàm phán hạt nhân Iran gặp khó khăn đẩy giá dầu thô lên mức lịch sử.
Ngày 7-3, giá dầu WTI lên 123,7 USD, thậm chí có thời điểm vượt 130 USD/thùng; dầu Brent lên 127,9 USD, có thời điểm 139 USD/thùng - mức cao chưa từng có kể từ giữa năm 2008, vượt xa dự tính của giới chuyên môn và các nhà đầu tư.
Cùng pha với dầu thô thế giới, giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm tại Việt Nam trong quý I-2022 cũng ghi nhận chuỗi tăng liên tục với sáu lần tăng giá liên tiếp, đạt đỉnh lịch sử vào ngày 11-3. Ở kỳ điều hành hôm ấy, nếu không chi quỹ bình ổn giá, xăng E5 sẽ phải bán lẻ ở mức 29.735 đồng/lít, còn xăng A95 có thể đã cán mốc 30.824 đồng/lít.
Thị trường dầu thô thế giới sau đó đã có những điều chỉnh - giảm xuống dưới 100 USD/thùng, tuần trước. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) diễn biến những ngày tới vẫn khó lường. Vì hôm qua, 13-4, giá dầu Brent đã vượt lên 108 USD/thùng.
Hai kịch bản giá dầu 2022
VINPA dự báo tăng giá tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thị trường xăng dầu năm nay, do nguồn cung khó theo kịp nhu cầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vẫn giữ nguyên mức tăng sản lượng cũ. Sản lượng dầu thô, dầu đá phiến của Mỹ tuy đang phục hồi nhưng khó quay trở lại mức cao trước đây do chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải.
Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 3,2 triệu thùng/ngày so với năm 2021, lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày.
Còn MXV đưa ra hai kịch bản:
- Giá dầu ở quanh ngưỡng 100 USD/thùng, nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Mỹ và EU cấm toàn bộ hoặc một phần dầu nhập khẩu từ Nga. Mỹ và Iran chưa sớm đạt thỏa thuận. OPEC+ vẫn tăng sản lượng dầu chậm chạp, không đạt mức hạn ngạch cam kết. Mỹ không sử dụng thêm kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá dầu.
- Giá dầu về ngưỡng 80 USD/thùng, nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách zero COVID, phong tỏa các thành phố lớn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại, kéo nhu cầu sử dụng dầu 2022 xuống bằng năm 2021. Nga và Ukraina đạt thỏa thuận. Mỹ và EU không cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Mỹ và Iran đạt thỏa thuận. Iran có thể xuất khẩu dầu trở lại, khoảng 1 triệu thùng/ngày.
"Kịch bản 2 không phải là không có cơ sở, nhưng các chuyên gia thị trường dầu thế giới đang thiên về kịch bản giá dầu ở quanh mức 100 USD/thùng" - ông Quang Anh cho biết.
MXV dẫn nhận xét của giới phân tích thị trường xăng dầu thế giới là xu hướng giá dầu từ năm 2020 đến nay rất tương đồng với xu hướng những năm 2009-2011. Theo cách ấy, giá dầu sẽ có xu hướng đi ngang, quanh vùng 100 USD/thùng trong thời gian khá dài.
Dựa trên những phân tích của bối cảnh hiện tại và sắp tới, MXV đưa quan điểm của mình là giá dầu sẽ khó ở dưới 80 USD/thùng, ít nhất trong quý II, III-2022.
Trong bối cảnh khó lường và có nhiều yếu tố bất lợi như vậy, có ý kiến tại hội nghị cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá, giúp giảm thiểu rủi ro khi giá hàng hóa diễn biến bất lợi, ảnh hưởng tới kết quả đầu tư, kinh doanh.