Hai lỗ hổng của kỳ thi THPT quốc gia

Trong cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD&ĐT, thông tin: Bộ công cụ trắc nghiệm khách quan sử dụng cho kỳ thi được viết bởi bộ thuật toán tối ưu nhất của thế giới.

Trước định hướng đổi mới giáo dục mà “đột phá là khâu thi cử”, lần đầu tiên thực hiện kỳ thi “2 trong 1” được gọi tên là kỳ thi THPT quốc gia với sự khẳng định của Bộ GD&ĐT, những cán bộ quản lý, chúng tôi tin tưởng và hy vọng.

Các khâu xử lý bài thi THPT quốc gia

Là lãnh đạo cấp cơ sở, tôi hiểu và nắm chắc các khâu trong quy trình xử lý bài thi và chấm bài thi trắc nghiệm khách quan. Quy trình thực hiện trong hướng dẫn và thực tế gồm bốn pha:

Pha 1 - Quét ảnh: Dùng máy quét ảnh (scanner) tốc độ cao quét các bài thi, đưa vào các thư mục chứa ảnh.

Việc quét bài thi được giám sát chặt chẽ. Trước và sau khi quét phải lập biên bản niêm phong, bảo mật. Thành viên tham gia tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào bài thi với bất kỳ lý do gì. Các tệp dữ liệu quét bài thi gốc được xuất từ phần mềm, được ghi vào hai đĩa CD giống nhau, niêm phong, có chữ ký của bộ phận giám sát; một đĩa giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, một đĩa gửi chuyển phát nhanh về Bộ GD&ĐT (Cục Quản lý chất lượng).

Pha 2 - Đọc ảnh (xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh): Xử lý ảnh để đọc các thông tin từ ảnh như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, xuất báo cáo Bộ GD&ĐT về trạng thái ban đầu của bài thi, chưa sửa lỗi.

Sau khi xuất đĩa, nội dung này sẽ được giữ nguyên, kể cả trong trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD khác.

Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã đến làm việc tại Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn sau khi có nghi vấn điểm thi tỉnh này cao bất thường. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Pha 3 - Sửa lỗi của thí sinh: Xử lý bài thi mắc lỗi số báo danh, mã đề… Phần mềm phải phát hiện tất cả lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động.

Kết quả sửa phải được lưu lại cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GD&ĐT. Phần này cũng được giám sát chặt chẽ. Theo thông tin thống kê của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ bài bị lỗi khoảng 1%.

Pha 4 - Chấm bài thi: Sau khi thực hiện xong ba pha trên mới được sử dụng dữ liệu đáp án do Bộ GD&ĐT cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra đĩa CD2 để báo cáo Bộ GD&ĐT.

Nếu Bộ GD&ĐT để địa phương (các hội đồng thi) xử lý ba pha đầu, sau đó toàn bộ dữ liệu chuyển về Bộ (Cục Quản lý chất lượng) thực hiện pha 4 chấm tập trung thì sẽ giảm thiểu yếu tố con người, là khâu dễ phát sinh tiêu cực trong toàn bộ quy trình. 

Tiêu cực dễ phát sinh ở khâu cuối

Trở lại với thông tin của ông Mai Văn Trinh về bộ công cụ trắc nghiệm khách quan. Yếu tố “khách quan” đã bị vi phạm ở pha 4 này.

Bộ GD&ĐT đã chủ quan và thiếu trách nhiệm khi giao cho địa phương (hội đồng thi) chấm bài, xử lý điểm thi và không hậu kiểm.

Bộ GD&ĐT đã không chú trọng đầu tư nghiêm túc quy trình chấm bài thi trắc nghiệm khách quan trong kỳ thi mang tầm quốc gia này. Việc đầu tư cho hoạt động chấm trắc nghiệm khách quan này, đặc biệt ở pha cuối - pha 4, nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT. Tại sao không đầu tư thực hiện?

Nếu vẫn phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhất thiết phải chú trọng những chi tiết sau:

+ Chuyển toàn bộ dữ liệu đã được mã hóa về một trung tâm. Đầu tư cho công nghệ chấm và xử lý điểm ở trung tâm. Có thể chia làm hai trung tâm: Hà Nội và TP.HCM, chia theo môn thi hoặc địa giới.

+ Phải mã hóa dữ liệu, khóa giải mã được giao cho người có trách nhiệm cao nhất và phải chịu trách nhiệm cá nhân.

+ Đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT chỉ công bố sau khi hoàn tất khâu chấm thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Thanh tra Bộ kiểm tra

Trong một diễn biến khác, chiều 19-7, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 và các đơn vị liên quan. Theo ông Nhạ, sau bốn lần tổ chức, kỳ thi THPT quốc gia ngày càng tốt hơn, đảm bảo nhẹ nhàng, tiết kiệm, an toàn, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và toàn xã hội. Qua từng năm, công tác kỹ thuật trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định bài thi, “nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH-CĐ tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Thanh tra Bộ kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong quá trình chấm thi bỏ vị trí, không hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, chiều 18-7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập hai tổ công tác xác minh kết quả bất thường kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La và Lạng Sơn sau khi có phản ánh của dư luận. Ngày 19-7, hai tổ công tác này đã có mặt tại hai địa phương trên để làm nhiệm vụ.

HÀ PHƯỢNG

_________________________

(*) Tác giả Minh Phan hiện là hiệu trưởng một trường THPT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm