Hái ‘lộc trời’ trên rừng Trường Sơn

Đi dọc tuyến quốc lộ 9 lên các xã vùng cao của huyện Hướng Hóa và Đakrông, là hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, vào ngày đầu xuân luôn xuất hiện hình ảnh người dân gánh trên vai những gánh đót, ai nấy đều phấn khởi với món quà mà rừng già ban tặng.

Hái ‘lộc trời’ trên rừng Trường Sơn ảnh 1
Cây đót được người dân phơi dọc đường.

Đót là một loại cây mọc tự nhiên trong rừng, được người dân sử dụng làm chổi. Mùa cây đót thường kéo dài khoảng hai tháng, bắt đầu từ đầu tháng Chạp đến cuối tháng Giêng âm lịch.  

Những ngày này, trai gái các địa phương trên theo chân nhau vào rừng từ sáng sớm đến chiều tà để tìm những cây đót. “Đót mọc tùy vùng, có khi mọc ở ven rừng, đi từ nhà chừng hơn 1 cây số là tìm thấy nhưng có khi phải đi 5-7 cây số mới kiếm được một lùm. Nếu may mắn, tìm được lùm to thì lấy một lùm là đủ để mang về bán” - anh Hùng (ở xã Thuận, Hướng Hóa) nói.

Hái ‘lộc trời’ trên rừng Trường Sơn ảnh 2
Nhiều thương lái vào các bản làng để thu mua cây đót.

Hái đót ở vùng cao, tuy phải vất vả trèo đèo lội suối nhưng không chỉ thu hút những thanh niên lực lưỡng mà phụ nữ và trẻ em cũng hăng hái theo chân vào rừng. Đi từ sáng tới tối, các em nhỏ có thể mang về 5 kg hay 7 kg, người lớn có thể mang về từ 20 kg  đến 25 kg đót tươi.

Vượt quãng đường xa để mang cây đót về lại bản, họ được các thương lái đến mua với giá dao động từ 3.000 tới 5.000/kg đót tươi, mỗi ngày những người lớn có thể kiếm được trên 100.000 đồng, trẻ em được khoảng 30.000 đồng. 

“Mỗi ngày em kiếm được khoảng 50.000 đồng, nó giúp em trong việc học tập và phụ thêm cho gia đình” - em Hồ Thị Thỏ (15 tuổi, ở xã A Ngo, huyện Đakrông) hào hứng chia sẻ.

Chị Đoàn Thị Huế, một người chuyên thu mua đót ở xã Thuận (Hướng Hóa), cho hay mỗi ngày có khoảng 12 tới 15 người đến bán, là người dân ở nhiều bản trong xã và một số xã lân cận. Có ngày chị thu mua khoảng 200 kg đót tươi, có hôm nhiều hơn.

Hái ‘lộc trời’ trên rừng Trường Sơn ảnh 3
Đót sau khi phơi khô được người dân sử dụng làm chổi đót.

Tuy vất vả và số tiền thu về không quá cao nhưng đối với bà con vùng cao thì đây là món quà đầu xuân mà thiên nhiên ban tặng, giúp họ thêm nguồn thu nhập cho cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm