Mới đây, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông Trần Văn On, người bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích mà ông Nguyễn Văn Út - người cùng địa phương với ông On ở huyện Tân Thạnh, Long An - là bị cáo.
Không rõ vật gì gây ra thương tích
Theo hồ sơ, tháng 2-2013, ông On thuê người múc đường thoát nước ruộng. Ông Út ra xem coi ông On có lấn sang đất nhà mình hay không. Sau đó, ông Út nhổ cây sậy do ông On cắm rồi hai bên tranh chấp nhau bờ ranh đất.
Ông On lấy cây cắm lại vị trí cũ, ông Út lại tiếp tục nhổ bỏ. Ông On đánh vào mặt ông Út nhưng không trúng. Ông Út dùng tay trái đánh trúng mặt ông On làm ông này té xuống ruộng. Ông On đứng dậy xông tới và tiếp tục bị ông Út đánh té xuống ruộng. Hậu quả là ông On bị thương tật 23%.
Bốn tháng sau, ông On làm đơn yêu cầu khởi tố ông Út cùng hai người con và cháu ruột của ông Út (tên T.).
Cuối năm 2013, TAND huyện Tân Thạnh xử sơ thẩm đã hoãn phiên tòa, kiến nghị để điều tra bổ sung.
Tháng 1-2014, TAND huyện Tân Thạnh tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Lần này, ông On vẫn khẳng định chính T. mới là người dùng cây đánh ông gãy xương hàm. Theo tòa Tân Thạnh, cơ quan điều tra đã yêu cầu Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Long An xác định thương tích của ông On là do vật gì gây ra. Nhưng công văn của trung tâm này không nói rõ thương tích của ông On do vật gì gây ra. Theo giấy xác nhận của bác sĩ BV huyện Tân Thạnh (người trực tiếp nhận và điều trị cho ông On), ông On bị gãy xương hàm trái, còn vật gì tác động để gây ra thương tích thì không rõ. Những nhân chứng chỉ có duy nhất con ông On xác nhận tận mắt chứng kiến T. (cháu ông Út) dùng cây đánh ông On. Từ đó tòa không chấp nhận yêu cầu truy tố thêm T. và tuyên phạt ông Út chín tháng tù treo về tội cố ý gây thương tích.
Sau đó ông On kháng cáo.
Ảnh dựng lại hiện trường ông Út đánh vào mặt ông On. (Ảnh do luật sư cung cấp
“Chú ruột lãnh án hết sao được?”
Tháng 4-2013, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm. Tại tòa, ông On vẫn một mực khẳng định chính T. mới là người dùng cây đánh mình dập môi, tét chân mày, gãy xương hàm. “Do tôi cãi vã với ông Út nên T. mới dùng cây đánh tôi. Tôi và bị cáo đều gần 70 tuổi, hổng lẽ giữa tôi và bị cáo đánh tay đôi với nhau mà tôi thua được. Yêu cầu tòa xử đúng người. Chú ruột lãnh án hết sao được!” - ông On bức xúc.
Tuy nhiên, ông Út vẫn khai ngoài mình ra thì không còn ai tham gia đánh ông On cả. “Bị cáo đánh ông On ba cái bằng tay vào mặt, chỉ chảy máu ở mí mắt, không đánh chỗ nào khác. Bị hại đã vu khống cháu tôi” - ông Út nói.
Công tố viên yêu cầu tòa tuyên y án đối với bị cáo Út. Tranh luận lại, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông On trình bày: Cơ quan điều tra đề nghị Trung tâm Pháp y tỉnh Long An giám định thương tích của ông On là do vật gì gây ra. Sau đó trung tâm này đã trả lời bằng văn bản rằng phải tham khảo ý kiến của nơi điều trị, xử lý vết thương ban đầu nhưng cơ quan điều tra không làm. Chính người bị hại cho rằng đang lúc cãi vã với bị cáo thì bất ngờ bị T. dùng cây (dài khoảng 1 m, đường kính khoảng 5 cm) đánh mạnh vào hàm trái làm choáng váng và bất tỉnh.
Theo luật sư, người bị hại yêu cầu khởi tố T. nhưng cơ quan điều tra lại đưa T. làm nhân chứng nên vụ án không thể nào khách quan được. Cho nên lời khai nhận tội của bị cáo Út phù hợp với nhân chứng (là con, cháu của ông) là điều hiển nhiên. “Với thể trạng ốm yếu, tuổi cao và là thương binh thì bị cáo không thể một mình chỉ dùng tay đánh vào mặt bị hại mà bị hại lại ngã lên ngã xuống mà bị hại không hề phản ứng gì”. Từ đó luật sư kết luận cơ quan điều tra chưa nói rõ được ai là người đánh, vật gì gây ra vết thương cho người bị hại nên đề nghị tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Long An cho rằng đề nghị của luật sư không có cơ sở nên đã bác kháng cáo của ông On và tuyên y án sơ thẩm.
NGÂN NGA
Đánh bằng tay không thể để lại vết trầy Khi giám định phải có quyết định trưng cầu giám định, đầy đủ hồ sơ bệnh án, biên bản lời khai của bị hại, bị cáo, người chứng kiến. Trong giám định tỉ lệ thương tật thì không thể chỉ rõ chính xác là dùng tay hay cây gây thương tích mà chỉ có thể xác định do vật tày mềm hay vật tày cứng gây ra. Cụ thể, chỉ có vật tày cứng mới để lại bề mặt như trầy da, xây xát… Tay được xác định là vật tày mềm. Dùng tay đánh cũng có thể gây gãy xương bên trong nhưng không nhìn thấy tổn thương bên ngoài như trầy da, xây xát da, rách da đến 2 cm. Trong vụ án có mâu thuẫn giữa lời khai của bị hại với bị cáo thì cách tốt nhất là dựng lại hiện trường và mời giám định viên tới để xác định tư thế người đánh. Lúc đó mới kết luận được lời khai nào là phù hợp. Giám định viên - BS chuyên khoa 1 NGUYỄN GIÓ |