Ngày 27-12, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành Hải quan năm 2018.
Ngành Hải quan cho rằng có bốn khó khăn lớn trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: QTV.vn
Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 16-12-2017 đến 15-12-2018, lực lượng kiểm soát Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 16.000 vụ việc vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.700 tỉ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 62 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ.
Riêng về ma túy, phát hiện, bắt giữ 216 vụ vi phạm, thu giữ hơn 54.000 gram và 444 bánh heroin...
Để đạt được những kết quả trên, ngành Hải quan đã thực hiện hàng loạt giải pháp tích cực như: cải cách, hiện đại hóa phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin; công tác chỉ đạo, điều hành năm 2018 đã có những sáng tạo tích cực,...
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” của cơ quan Hải quan còn bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra, xử lý của ngành Hải quan.
Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với 3 tội danh “Buôn lậu", “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" và “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”.
Thế nhưng trong thực tế, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc phạm vi quản lý của ngành Hải quan như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả… Khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra dẫn tới mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.
Bên cạnh đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” của Chi cục trưởng, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan và tương đương chỉ được phạt tiền và tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức; thẩm quyền của cấp Cục trưởng chỉ được phạt tiền và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Vậy nhưng trên thực tế, nhiều vụ bắt giữ của cơ quan Hải quan có trị giá hàng vi phạm cao hơn so với quy định (100 triệu đồng) nên cơ quan Hải quan phải chuyển vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền cao hơn xử lý nên nhiều vụ việc bị kéo dài.
Thứ hai, trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự thì việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.
Thứ ba, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định tạm giữ người là một biện pháp ngăn chặn, nhưng cơ quan Hải quan khi phát hiện tội phạm tại cửa khẩu lại không được phép tạm giữ, bắt người. Trong khi đó, nhiều đối tượng phạm tội tại cửa khẩu có quốc tịch nước ngoài, nếu không quy định cơ quan Hải quan được quyền bắt người, giữ người thì việc điều tra, truy tố gặp khó khăn.
Thứ tư, một số quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, về thủ tục hàng hóa tạm nhập - tái xuất, trung chuyển, chuyển khẩu chưa ràng buộc được trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp; chưa quy được trách nhiệm pháp lý với đối tượng kinh doanh kho bãi, bốc xếp, người vận chuyển, không xử lý được chủ thể vi phạm là người nước ngoài… nên chưa hạn chế vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.