Trang bình luận The Diplomat ngày 21-6 đăng bài nhận định tình trạng các tàu cá Trung Quốc càng quét và đánh bắt trái phép nguồn tài nguyên biển cũng đang xảy ra trên nhiều vùng biển trên thế giới, chứ không riêng chỉ trong khu vực biển Đông.
Hải quân Indonesia mới đây đã ngăn chặn một tàu Trung Quốc đang đánh bắt cá trái phép trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, thuộc Indonesia. Trả lời về vụ việc ngày 18-6 vừa qua, phát ngôn viên hải quân Indonesia ông Edi Sucipto cho biết toàn bộ bảy thủy thủ đoàn tàu Trung Quốc đã bị bắt giữ. Đây là lần thứ ba một tàu cá Trung Quốc bị truy bắt ngoài khơi quần đảo Natuna.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo xác nhận tàu chấp pháp Indonesia đã bắn cảnh cáo tàu cá, làm bị thương một ngư dân và gây hư hại cho tàu cá. Bắc Kinh còn khẳng định vùng biển nơi xảy ra vụ việc là "vùng đánh bắt cá truyền thống của Trung Quốc" và cáo buộc Indonesia "lạm dụng vũ lực".
Hiện có hơn 500 tàu cá Trung Quốc đang thường xuyên hoạt động trái phép ngoài khơi Nam Phi (Ảnh minh họa: AFP)
Đáp lại, phía Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục có các hành động "quyết đoán" chống lại các tàu nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng biển nước này. Ông Sucipto cho biết: "Chúng tôi sẽ không ngần ngại đưa ra các động thái quyết đoán đối với tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Indonesia, cho dù các tàu mang cờ và quốc tịch của nước nào đi nữa".
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước khác. Các tàu cá Trung Quốc trong những năm gần đây thường có các hành động xâm phạm ngang ngược vào các vùng EEZ trên thế giới. Một số các vụ xâm phạm này nằm trong những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương áp đặt cái gọi là "đường chín đoạn", khẳng định chủ quyền phi lý của nước này trên phần lớn diẹn tích biển Đông. Tuy nhiên, theo The Diplomat, hoạt động ngang ngược của tàu cá Trung Quốc cũng xuất hiện ở nhiều vùng biển khác trên thế giới.
Tháng 5-2016, Nam Phi đã bắt giữ ba tàu cá Trung Quốc với hơn 100 thuyền viên đánh bắt mực trái phép trong vùng EEZ nước này. Khi bị bắt giữ, cả ba tàu Trung Quốc đang giữ tổng cộng hơn 600 tấn mực. Ông Senzeni Zokwana, Bộ trưởng Nông nghiệp và Nghề cá Nam Phi, khẳng định: "Chúng tôi không thể làm ngơ khi nguồn tài nguyên biển của chúng tôi bị cướp bóc, đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Chúng tôi đang tiến hành điều tra sự gia tăng đột biến các tàu cá Trung Quốc tại vùng biển nước mình".
Theo The Diplomat, ba tàu cá bị bắt giữ tại Nam Phi là thành viên của cả một đội tàu cá đông đúc được đăng ký hoạt động tại tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc. Các tàu đều có khả năng đánh bắt xa bờ dài ngày, với chiều dài trung bình lên đến 55 m. Đội tàu "tai tiếng" này đã nhiều lần bị phát hiện đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài.
Một tàu cá bất hợp pháp bị hải quân Indonesia đánh chìm (Ảnh: Reuters)
Tháng 1-2016, tổ chức quốc tếSea Shepherd đã phát hiện đội tàu này hoạt động trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi bang Perth phía tây nước Úc. Theo tổ chức này, đội tàu của tỉnh Phúc Châu xử dụng lưới cào để đánh bắt, vốn là công cụ đã bị Liên Hiệp Quốc cấm sử dụng từ năm 1992 vì đe dọa hệ sinh thái biển. Tàu của tổ chức Sea Shepherd đã đeo đuổi đội tàu này suốt hai tháng trên lộ trình chúng quay về biển Đông.
Vào ngày 23-3, tàu Trung Quốc yêu cầu tàu tuần dương Trung Quốc đến hộ vệ. Thuyền trưởng tàu Steve Irwin của tổ chức Sea Shepherd cho biết: "Chúng tôi đã được tàu chiến Trung Quốc số hiệu 571 liên lạc và yêu cầu giải thích hoạt động". Tuy nhiên, tàu hải quân Trung Quốc sau đó vẫn cho tàu Steve Irwin tiếp tục bám đuổi.
Vào tháng 3-2016, lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina cũng cho đánh chìm một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng biển nước này. Thông tin cho biết, tàu cá Trung Quốc đã tìm cách đâm vào thuyền cao tốc của lực lượng chấp pháp Argentina khi đang bị truy đuổi.
Đầu tháng 6-2016, Hàn Quốc và cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc tại nước này cũng tiến hành chiến dịch phối hợp nhắm đến các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép.
Theo The Diplomat, Trung Quốc hiện đang là quốc gia có lượng cá biển đánh bắt được lớn nhất thế giới. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2014 cho biết Trung Quốc đánh bắt được 13,9 tấn cá biển, bỏ xa nước đứng thứ hai là Indonesia (5,4 tấn). Không thể xác minh được liệu con số khổng lồ trên có bao gồm lượng cá đánh bắt trái phép hay không. Hoạt động đánh bắt cá trái phép làm thiệt hại gần 23 tỉ USD/năm trên toàn cầu.