Tại dải Gaza tối 12-10, hàng ngàn người xuống đường cả đêm ăn mừng thỏa thuận hòa giải giữa nhóm vũ trang Hamas và Phong trào Fatah mà hai bên vừa đạt được ở Ai Cập, nhằm thống nhất dải Gaza và Bờ Tây.
Người dân dải Gaza mang cờ Palestine và cờ Ai Cập, nhảy múa, ôm chầm lấy nhau trong xúc động.
“Tôi hạnh phúc, không, tôi là người hạnh phúc nhất. Nhưng tôi vẫn sợ sẽ phải thất vọng. Các lãnh đạo chúng tôi từng làm chúng tôi thất vọng. Hy vọng lần này họ sẽ không như vậy” – anh Ali Metwaly, một kỹ sư máy tính 30 tuổi nói với Reuters sáng 13-10.
Dân Palestine ở dải Gaza ăn mừng thỏa thuận hòa giải giữa Hamas và Fatah. Ảnh: REUTERS
Theo thỏa thuận hòa giải, Hamas sẽ trao quyền kiểm soát về hành chính dải Gaza cho Fatah. Fatah sẽ gửi khoảng 3.000 cảnh sát sang bổ sung lực lượng cảnh sát dải Gaza, dù Hamas vẫn là nhóm vũ trang mạnh nhất của Palestine với khoảng 25.000 tay súng được trang bị tốt.
Hamas và Fatah sẽ cùng bàn ngày bầu cử tổng thống và Quốc hội, cũng như về việc cải cách Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) – chịu trách nhiệm tìm kiếm hòa bình với Israel.
Lần cuối cùng Palestine bầu Quốc hội là vào năm 2006 với chiến thắng vang dội của Hamas. Cũng chính chiến thắng này dẫn đến sự xung đột chính trị giữa Hamas và Fatah, dẫn đến cuộc nội chiến và rồi Hamas giành quyền kiểm soát dải Gaza.
Các nỗ lực hòa giải của Ai Cập trước đây đều không đạt được kết quả lâu dài. Sở dĩ lần này thành công là nhờ một đợt siết chặt về kinh tế với Hamas.
Hamas đã kiểm soát dải Gaza trong một thập niên. Trẻ em Palestine ở dải Gaza ăn mừng thỏa thuận hòa giải giữa Hamas và Fatah. Ảnh: REUTERS
Các nhà phân tích nhận định thỏa thuận lần này có nhiều cơ hội được tôn trọng hơn các thỏa thuận trước. Hamas ngày càng bị cô lập và kinh tế dải Gaza ngày càng kiệt quệ do bị phong tỏa và cơ sở hạ tầng hư hại nhiều trong các cuộc giao tranh với Israel.
Gia đình vợ chồng chị Huwaida al-Hadidi cùng 7 đứa con mấy ngày trước vừa bị đuổi ra khỏi nhà thuê do hết tiền vì chồng chị thất nghiệp. Hiện 9 người nhà chị phải sống tạm trong một căn lều. Thỏa thuận hòa giải này là tin vui lớn với chị vì nếu được thực hiện dải Gaza sẽ được dỡ bỏ phong tỏa, chồng chị sẽ có lại việc làm kiếm tiền nuôi con.
Tuy nhiên theo nhà bình luận chính trị Mustafa Ibraham (Palestine), với chuyện ngày bầu cử chưa được xác định cũng như các điều khoản khác cũng chưa rõ ràng thì dân Palestine chưa nên vội mừng sớm.
“Các chi tiết quan trọng vẫn còn bị hoãn, có thể dẫn đến bất đồng” – ông Ibraham viết trên Facebook.
Phản ứng trước diễn biến hòa giải giữa Hamas và Fatah, Israel nói Hamas phải bỏ vũ khí, nếu không chuyện hòa giải này không có ý nghĩa gì.
Tuy nhiên Hamas tuyên bố sẽ không từ bỏ vũ khí. Từ năm 2008 đến nay Hamas đã có 3 cuộc xung đột lớn với Israel, bị phương Tây xem là khủng bố.