Hàn Quốc: Bác sĩ vẫn đình công, bệnh nhân thêm khốn đốn

(PLO)- Tình cảnh người bệnh cần chăm sóc y tế ở Hàn Quốc ngày càng báo động khi đợt đình công của các bác sĩ chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sau hơn 2 tháng, đợt đình công của bác sĩ tại Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hơn 10.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh tham gia cuộc đình công vẫn chưa quay lại làm việc, và bệnh nhân là đối tượng chịu tác động lớn nhất do thiếu nhân lực y tế.

Các nhân viên y tế bên ngoài một bệnh viện ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hồi tháng 3. Ảnh: GETTY IMAGES

Bế tắc vẫn chưa được giải quyết

Trong hơn 2 tháng qua, hệ thống chăm sóc y tế của Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn vì hàng ngàn bác sĩ đình công, sau khi chính phủ đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 sinh viên vào các trường y từ năm 2025.

Kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ lâu nay ở Hàn Quốc. Đối với nhà chức trách, đề xuất này đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cấp thiết khi dân số nước này đang già đi nhanh chóng.

“Tôi hy vọng số lượng bác sĩ sẽ tăng lên trong tương lai do xã hội đang già đi nhanh chóng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người đến bệnh viện” - ông Yoo Byung-seon (66 tuổi), một trong những người đang điều trị tại Trung tâm Y tế Incheon đồng tình với chủ trương tăng tuyển sinh ngành y.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỉ lệ bác sĩ tại Hàn Quốc là 2,6 bác sĩ trên 1.000 dân. Đây là một trong những tỉ lệ thấp nhất trong số các nước phát triển.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ tham gia đình công cho rằng hệ thống y tế Hàn Quốc đặc biệt đề cao các chuyên khoa như da liễu, vốn không cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày của hầu hết người dân. Ngoài ra, họ cũng cho rằng chính phủ đang phớt lờ những vấn đề nan giải tồn tại trong ngành y tế. Thêm nữa, nhiều bác sĩ cho biết họ cảm thấy thất vọng do thời gian làm việc kéo dài nhưng mức lương vẫn thấp.

Trước tình hình đình công kéo dài, khoảng 2 tuần trước, chính phủ đã có bước nhượng bộ đầu tiên. Theo đó, các trường y sẽ có chút thời gian trong việc quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học mới, bắt đầu vào tháng 3-2025.

Tuy nhiên, phía các bác sĩ đình công vẫn chưa hài lòng với chủ trương này và vẫn chưa quay lại làm việc.

Bệnh nhân và bác sĩ bên trong một bệnh viện ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hồi tháng 4. Ảnh: YONHAP

Bệnh nhân chịu tác động lớn nhất

Đình công kéo dài, người dân chịu tác động nghiêm trọng nhất.

“Khi các cuộc biểu tình mới bắt đầu, tôi không thực sự cảm nhận được tình hình. Xung quanh tôi không có ai phải thường xuyên đến bệnh viện” - tờ The New York Times dẫn lời anh Lee Seung-ku – sinh viên ĐH ở thủ đô Seoul.

Tuy nhiên, khi các cuộc đình công kéo dài, anh Lee cho biết anh nghe tin nhiều người quen gặp khó khăn trong việc đi khám bệnh.

Do lượng lớn bác sĩ đình công, hàng ngàn ca phẫu thuật và điều trị tại Hàn Quốc đã bị dời lịch hoặc bị hủy bỏ. Các y tá phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Các bệnh viện quân y cũng tiếp nhận dân đến khám.

Cô Eun Sung bị thương ở ngón tay cái của tay phải do bị té hồi tháng 3 năm ngoái và cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, việc lên lịch cho buổi phẫu thuật của cô không hề dễ dàng. “Thật khó để có được một lịch hẹn phẫu thuật và tôi được thông báo rằng lịch phẫu thuật sớm nhất có thể là vào tháng 1-2025” – cô Eun Sung nói.

Tờ Korea Times dẫn trường hợp của cô Kim – mẹ của một bé gái 27 tháng tuổi đang điều trị bệnh thận tại Bệnh viện ĐH Quốc gia Seoul. Cô Kim cho biết 2 bác sĩ nhi khoa phụ trách điều trị cho con gái bà dự định nghỉ việc trong vài tháng tới.

“Tôi không nhận thấy thái độ nghĩa vụ hay trách nhiệm của bác sĩ khi họ khuyên tôi nên đưa con gái đến bệnh viện khác. Nếu con gái tôi phải chuyển đi, chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại nhiều cuộc kiểm tra” – cô Kim chia sẻ, và nói cô có cảm giác như con mình bị bắt làm con tin.

Ngoài Seoul, nhiều bệnh viện ở nhiều TP tại Hàn Quốc cũng đang thiếu bác sĩ nghiêm trọng. “Phòng thận nhân tạo của chúng tôi đã đóng cửa gần 2 năm vì không có bác sĩ và cũng không tìm được bác sĩ. Đây là một hiện tượng có quy mô quốc gia” – hãng tin Reuters dẫn lời ông Cho Seung-yeon, Giám đốc Trung tâm y tế Incheon.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đã chọn điều trị tại nhà, thay vì đến bệnh viện. Anh Samuel Kim - đang theo học ngành y tá tại ĐH Quốc gia Kyungpook ở TP Daegu - cho biết đã chọn hoãn đến bệnh viện kiểm tra chứng rối loạn nhịp tim.

Anh Kim nói anh cảm thấy không nên đến bệnh viện vào thời điểm thiếu bác sĩ như hiện nay sau khi chứng kiến các bác sĩ làm việc rất vất vả. Tuy nhiên, anh Kim tin rằng phía các bác sĩ nên đàm phán với chính phủ và quay trở lại làm việc. “Cũng có những cuộc đình công ở các ngành khác, như tài xế xe buýt. Nhưng với các cuộc đình công của bác sĩ, mạng sống của người dân đang bị đe dọa” – anh Kim nêu quan điểm.

Hàn Quốc khả năng giảm chỉ tiêu tuyển sinh trường y so dự kiến ban đầu

Trong cuộc họp hôm 1-5, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết: “Tính đến ngày 30-4, 32 trường y thuộc đối tượng tăng chỉ tiêu tuyển sinh đã trình kế hoạch tuyển sinh cuối cùng của họ lên Hội đồng Giáo dục ĐH Hàn Quốc”.

Theo hãng thông tấn Yonhap, các trường y trên toàn Hàn Quốc dự kiến tiếp nhận thêm khoảng 1.550 sinh viên vào năm tới. Con số này thấp hơn so với quyết định trước đó của chính phủ về việc bổ sung thêm 2.000 sinh viên cho các trường.

Cùng ngày, Chủ tịch mới đắc cử của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc Lim Hyun-taek tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng bế tắc trong ngành y tế nước này.

Trong một bài đăng trên Facebook, ông Lim cho biết ông “sẽ nỗ lực hết sức để tháo gỡ nút thắt”, nhằm giảm bớt mối lo ngại của các bác sĩ thực tập, sinh viên y khoa, giáo sư y khoa, phụ huynh, bệnh nhân và người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới