Hàn Quốc và Mỹ có thể sẽ tiến tới ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên khi nước này từ bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân, Yonhap dẫn lời Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết ngày 18-4.
Theo ông Chung, Hàn Quốc và Mỹ đang tổ chức các cuộc bàn bạc sâu về hàng loạt biện pháp nhằm tổ chức thành công các cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước với Triều Tiên.
“Chúng tôi đang bàn phải dỡ bỏ quan ngại an ninh của Triều Tiên như thế nào. Chúng tôi cũng bàn bạc sâu làm cách nào có thể đảm bảo tương lai tươi sáng cho Triều Tiên để Triều Tiên có quyết định đúng” – ông Chung cho biết.
Ông Chung cho biết các đồng minh đang cân nhắc cách đáp lại hành động giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Ông Chung có mặt trong phái đoàn Hàn Quốc sang Triều Tiên gặp ông Kim ngày 5-3 và được ông Kim xác nhận Triều Tiên sẵn sàng đàm phán giải trừ hạt nhân.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 20-4 tới đây, trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều thứ ba. Ảnh: YONHAP
Yonhap đưa phát ngôn của ông Chung không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thông điệp chúc mừng tiến trình hòa giải, có khả năng tiến đến chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên.
“Đang có cơ hội lớn để giải quyết một vấn đề thế giới. Đây không phải là vấn đề của Mỹ. Cũng không phải là vấn đề của Nhật hay nước nào khác. Đây là vấn đề của thế giới” – ông Trump nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 17-4 tại Mỹ. Ông Trump đã đồng ý sẽ gặp ông Kim vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở bang Florida (Mỹ) ngày 17-4. Ảnh: REUTERS
Hàn Quốc và Triều Tiên về thực chất vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, khi giữa hai bên chỉ mới có thỏa thuận đình chiến được ký 65 năm trước. Để chiến tranh thật sự kết thúc thì thỏa thuận đình chiến phải được thay bằng hiệp ước hòa bình, có thể được xem là một sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Nếu Hàn Quốc và Triều Tiên ký hiệp ước hòa bình thì chắc chắn phải cần có sự can dự của Mỹ - vốn là bên đại diện Hàn Quốc đứng ra ký thỏa thuận đình chiến với Triều Tiên 65 năm trước. Đây là điều không đơn giản khi một lý do quan trọng cản trở hiệp ước đình chiến là Triều Tiên khăng khăng Mỹ phải rút hết quân khỏi Hàn Quốc - yêu cầu vốn bị Mỹ bác bỏ.