Hàn Quốc: Chấn chỉnh nạn hối lộ thầy cô

Ngày 15-5 hàng năm là Ngày Nhà giáo Hàn Quốc. Để tỏ lòng biết ơn thầy cô, phụ huynh thường gửi tặng thầy cô món quà nhỏ (gọi là chonji). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh muốn gửi gắm con em đã hối lộ cho thầy cô quà cáp, tiền bạc hoặc dưới hình thức tài trợ cho nhà trường, mời thầy cô đi ăn ở nhà hàng.

Cơ quan chống tham nhũng vào cuộc

Kết quả khảo sát 1.660 phụ huynh do Ủy ban Quyền dân sự và chống tham nhũng quốc gia Hàn Quốc (gọi tắt là Ủy ban) thực hiện hồi tháng 3 cho thấy:

- Gần 19% phụ huynh từng hối lộ cho thầy cô. Tỷ lệ này ở thành phố là 30%. 48% phụ huynh đánh giá chonji là hình thức hối lộ.

- Hơn 50% phụ huynh hối lộ cho thầy cô vì muốn con em được ưu ái.

- 90% phụ huynh đồng tình không nên biếu xén cho thầy cô.

- Chỉ 6% phụ huynh xem quà biếu là một hình thức tỏ lòng biết ơn thầy cô.

Ủy ban đánh giá biếu xén thầy cô là một hình thức tham nhũng kinh tế trong giáo dục, do đó tuyên bố năm 2009 sẽ là năm phát động chiến dịch chống nạn chonji. Nhân Ngày Nhà giáo năm nay, Ủy ban đề nghị các trường nên đóng cửa và phụ huynh không nên đến thăm trường ít nhất một tháng kể từ Ngày Nhà giáo.

Thực ra từ năm 2006, nhiều trường đã đóng cửa vào Ngày Nhà giáo để tránh tình trạng hối lộ thầy cô. Tại thủ đô Seoul, năm ấy đã có 70% số trường học đóng cửa.

Sau đó, các thầy cô phản đối dữ dội vì cho rằng đóng cửa trường như vậy không khác gì sỉ nhục giáo viên. Năm ngoái, chỉ có 8,8% trường đóng cửa. Năm nay, tỷ lệ này tiếp tục giảm còn 2,8%.

Không muốn cũng phải biếu

Hồi tháng 3, Ủy ban đã cử người đến các trường ở nam Seoul và huyện Bundang (tỉnh Gyeonggi) để điều tra.

Một lần nọ, nhân viên điều tra đóng giả phụ huynh bất ngờ kiểm tra một hộp kẹo của phụ huynh đang mang quà đến trường. Họ phát hiện bên trong có hàng trăm USD. Lần khác, họ dừng xe thầy cô và yêu cầu mở túi xách xem có quà biếu hay không.

Thái độ kiểm tra lộ liễu ấy đã khiến giáo giới nổi giận, chỉ trích Ủy ban đã vi phạm quyền con người. Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc tố cáo Ủy ban đối xử với giáo viên như nghi can và tuyên bố vẫn bảo vệ chonji.

Trong khi đó, Ủy ban cho biết để đối phó với kiểm tra, nhiều phụ huynh hối lộ cho thầy cô bằng cách chuyển quà cáp, tiền bạc qua đường phát chuyển nhanh hoặc chuyển quà qua các trang web mua bán trực tuyến.

Nhiều phụ huynh cho biết không muốn biếu xén nhưng cũng phải chấp nhận vì sợ con em bị đì. Quả thật không ít thầy cô xem chonji là chuyện tất nhiên. Một bà mẹ ở Seoul gửi thư cho báo chí cho biết bà biếu thầy con mình 70 USD (gần 1,3 triệu đồng VN), vậy mà ông thầy còn chê ít quá, nói chỉ đủ tiền mua đôi giày.

Theo quy định của Bộ Giáo dục ban hành năm 2006, giáo viên sẽ bị sa thải nếu nhận của phụ huynh dưới 100.000 won (1,4 triệu đồng VN) để ưu ái cho học sinh. Trên mức này, ngoài việc bị sa thải, giáo viên còn bị cắt lương hưu 50%. Năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã thông qua luật cấm giáo viên dạy học vĩnh viễn nếu nhận tiền biếu xén của phụ huynh.

Anh: Khai gian để vào học trường trái tuyến

Báo Daily Mail (Anh) ngày 10-5 đưa tin lần đầu tiên ở Anh, tòa sơ thẩm sẽ xét xử (cuối tháng 5) vụ khai gian nơi cư trú để học sinh trái tuyến vào học trường điểm. Chị Mranil Patel, 41 tuổi đã thừa nhận sai phạm khi làm hồ sơ cho con trai năm tuổi vào trường Pinner Park First School ở London. Địa chỉ khai gian là nhà mẹ chị gần trường.

Trường tiểu học nổi tiếng nêu trên mỗi năm chỉ xét tuyển 90 em. Theo Cơ quan Giám sát chất lượng giáo dục Anh, 29/31 chỉ tiêu đánh giá của trường đều đạt điểm xuất sắc. Sự việc vỡ lở khi nhà trường nghi ngờ và kiểm tra lại địa chỉ theo chứng từ khai thuế tại địa phương. Nếu bị kết tội, chị Mranil Patel sẽ bị phạt một năm tù giam và nộp phạt 5.000 bảng (137,5 triệu đồng VN).

Năm nay đã có 162 vụ khai gian địa chỉ như trên tại 50 hội đồng xét tuyển ở London, tăng gấp ba so với năm học trước. Nguyên nhân do trường lớp thiếu, phụ huynh tin tưởng chất lượng trường công lập, sinh suất từ năm 2001 tăng và tình hình khủng hoảng kinh tế. Nhiều gia đình không đủ khả năng cho con học trường có đóng học phí nên muốn vào trường công.

MINH NHỰT

LÊ LINH (Theo LA Times, Korea Times, JoongAng Daily)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm