Thời gian qua Hàn Quốc chứng kiến liên tiếp nhiều vụ tấn công nhằm vào các chính trị gia và thực tế này đã trở thành mối lo ngại lớn ở nước này, theo tờ The Korea Times.
Ngày 25-1, hạ nghị sĩ đảng cầm quyền Quyền lực Quốc dân Bae Hyun-jin bị đánh vào đầu khi đang đi trên phố ở thủ đô Seoul. Vụ việc này xảy ra chỉ 3 tuần sau khi lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Lee Jae-myung bị đâm vào cổ khi tham quan công trường xây dựng sân bay mới trên đảo Gadeok của TP Busan.
Ở trường hợp nữ nghị sĩ Bae Hyun-jin, nghi phạm 15 tuổi, là học sinh cấp hai tại một trường trung học ở quận Gangnam (Seoul), theo hãng thông tấn Yonhap.
Theo thông tin thẩm vấn ban đầu, nghi phạm cho biết vụ tấn công là ngoài ý muốn, và hiện đang chờ nhập viện vì bệnh trầm cảm.
Cảnh sát cho biết đã thu giữ điện thoại di động và kiểm tra lịch sử sử dụng mạng xã hội của nghi phạm để xác định động cơ chính xác.
Ở trường hợp nghị sĩ Lee Jae-myung, nghi phạm tấn công được xác định là một người đàn ông 67 tuổi, họ Kim. Người này đã lên kế hoạch tấn công ông Lee nhiều tháng trước khi hành động.
Theo ông Woo Chul-moon - người đứng đầu cơ quan Cảnh sát TP Busan, nghi phạm tấn công ông Lee vì không muốn ông trở thành tổng thống Hàn Quốc, cũng như không để đảng của ông Lee chiếm đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Nghi phạm cũng khai nhận rằng ông có ác cảm với ông Lee, vì cho rằng những sai phạm của lãnh đạo đảng Dân chủ đã không bị xử lý thích đáng.
Tổng ủy viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee-keun chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul thành lập đội điều tra 27 thành viên. Ông Yoon chỉ đạo nhóm điều tra toàn diện về vụ việc, đi sâu vào động cơ và mọi nguyên nhân khả dĩ.
Phạm tội do bắt chước?
Theo The Korea Times, có nhiều đồn đoán rằng các vụ tấn công này có thể xuất phát từ sự bất mãn lâu ngày của người dân đối với các chính trị gia. Nhà chức trách cũng đang xem xét khả năng vụ việc có thể là một dạng xu hướng “phạm tội do bắt chước”.
Ông Oh Yoon-sung - GS chuyên ngành quản lý cảnh sát tại ĐH Soonchunhyang - lưu ý sức ảnh hưởng của việc dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận thông tin về những vụ việc như vậy. Theo ông, khả năng tiếp cận này có thể khiến nhiều người dễ dàng bắt chước các hành vi tội phạm mà họ đã chứng kiến trên mạng.
“Tâm lý cố gắng hành động chống lại một chính trị gia không được ưa chuộng có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau” - ông Oh nói.
Ông Lee Yoon-ho - GS chủ nhiệm khoa Khoa học Cảnh sát tại ĐH Điện tử Hàn Quốc - cũng chỉ ra nguy cơ xảy ra tội phạm bắt chước.
“Vụ tấn công vào lãnh đạo đảng Dân chủ có thể đã kéo theo vụ tấn công mới nhất [nhắm vào bà Bae]” - theo ông Lee.
Ông Lee cũng nhấn mạnh rằng nhận thức sai lầm về “chủ nghĩa anh hùng” có thể leo thang thành những tội ác táo bạo hơn, đặc biệt là trong các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia khi thủ phạm có thể nhận thức sai lầm rằng hành động của họ là phục vụ công lý.
“Tôi tin rằng tốt hơn hết là không tiết lộ danh tính của các nghi phạm liên quan các cuộc tấn công chống lại các chính trị gia, vì điều đó có thể củng cố nhận thức sai lầm về chủ nghĩa anh hùng trong lòng họ” - ông Lee nói.
Các chuyên gia nhất trí cho rằng chính phủ nên áp dụng chế tài nặng hơn để ngăn chặn vụ việc như vậy.
Có thể còn nhiều nguyên do tiềm ẩn
Ngoài lo ngại về tình trạng phạm tội bắt chước, các chuyên gia còn cho rằng phân biệt giới tính cũng là mầm mống xảy ra các vụ tấn công.
GS Lee Soo-jung của ĐH Kyonggi - người đã đăng ký làm ứng viên sơ bộ đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử ngày 10-4 tới - cho rằng giới tính của bà Bae có thể là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc. Ông cũng đặc biệt lưu ý xu hướng chỉ trích phái nữ trên mạng xã hội tồn tại ở Hàn Quốc thời gian gần đây.
Ngoài ra, vụ tấn công gần đây nhằm vào bà Bae cũng đặt ra câu hỏi tại sao một thiếu niên thậm chí còn chưa có quyền bầu cử lại hành động như vậy. Ngày càng có nhiều suy đoán về nhân vật chủ mưu đằng sau vụ tấn công, do nghi phạm còn quá trẻ.
Liên quan những phỏng đoán như vậy, hạ nghị sĩ Yun Jae-ok thuộc đảng cầm quyền Quyền lực Quốc dân nhấn mạnh cần kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi có kết luận chính thức từ phía cảnh sát.
Tâm lý cực đoan trong chính trị
Tờ The Korea Times dẫn ý kiến của ông Park Sang-byoung - cây bút chuyên bình luận chính trị - rằng căng thẳng và xung đột chính trị gia tăng có thể là vấn đề nghiêm trọng sau việc các chính trị gia bị tấn công.
Ông Park lưu ý mức độ nghiêm trọng của điều mà ông này gọi là tình trạng thù địch chính trị, đồng thời cảnh báo rằng "trừ phi có sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu chính trị, còn không thì e là các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia sẽ gia tăng trong tương lai”.
Các nhà lập pháp của cả hai đảng cũng đang kêu gọi các giải pháp nhằm tránh hiện tượng xung đột cực đoan trong chính trị.
Ngày 26-1, nghị sĩ đảng cầm quyền Quyền lực Quốc dân Yun Jae-ok kêu gọi toàn bộ cộng đồng chính trị “phải hợp tác để chấm dứt tình trạng thù địch chính trị”.
Trong khi đó, nghị sĩ đảng Dân chủ Hong Ihk-pyo thì nói rằng đảng ông kiên quyết phản đối mọi hình thức bạo lực và khủng bố gây ra mối đe dọa cho nền dân chủ.
"Cần có những biện pháp đặc biệt để giải quyết những sự việc đáng tiếc như vậy” - ông Hong nhấn mạnh.