“Chúng tôi đề nghị đối thoại quân sự với Triều Tiên vào ngày 21-7 tại Tongilgak nhằm chấm dứt mọi hành động thù địch dẫn tới căng thẳng quân sự tại đường ranh giới quân sự” - Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 17-7, theo hãng tin Sputnik.
Tongilgak là một tòa nhà của Triều Tiên trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm trên đường phân định phân chia hai quốc gia liên Triều.
Binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc cùng một binh sĩ Mỹ tại khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm. Ảnh: SPUTNIK
Phía Hàn Quốc yêu cầu cuộc đàm phán quân sự vào ngày 21-7 sẽ có sự tham gia của các quan chức quân sự cấp cao. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra đề nghị về việc mở các cuộc đàm phán Chữ thập đỏ để thảo luận việc nối lại các hoạt động đoàn tụ gia đình. Hội Chữ thập đỏ của Hàn Quốc đã đưa ra đề nghị tổ chức cuộc đàm phán trên vào ngày 1-8 tới tại Tongilgak.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn yêu cầu khôi phục hoạt động của đường dây liên lạc quân sự liên Triều tại khu vực miền Tây và yêu cầu Bình Nhưỡng phản hồi đề nghị mới này qua đường dây trên.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người đề cao đối thoại với Triều Tiên, gần đây cho biết việc đối thoại để ngăn chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nếu Triều Tiên chấp nhận đàm phán quân sự theo đề nghị của Hàn Quốc, đây sẽ là cuộc đối thoại quân sự đầu tiên kể từ năm 2014. Vào ngày 15-10-2014, một cuộc đàm phán cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã diễn ra ở Bàn Môn Điếm song không đạt được thỏa thuận nào về cách tháo gỡ các căng thẳng. Cuộc đối thoại cấp chính phủ gần đây nhất giữa hai nước được tổ chức hồi tháng 12-2015, theo Yonhap.