Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung đưa ra nhận định này vài ngày 29-6, chỉ vài tiếng trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi nhậm chức với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo hãng tin AFP.
Ông Moon kể từ khi vận động tranh cử đến này đã khẳng định rõ lập trường muốn đẩy mạnh đối thoại Seoul-Bình Nhưỡng một cách hòa bình.
Cuộc chiến Triều Tiên về bản chất chưa bao giờ chấm dứt. Thỏa thuận mà các bên đạt được tại Bàn Môn Điếm vào năm 1953 chỉ quy định ngừng bắn chứ không phải là một hiệp định hòa bình.
Hiện vẫn còn gần 28.500 lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc với nhiệm vụ “bảo hộ quân sự” cho đồng minh Đông Á. Nếu hai miền bán đảo Triều Tiên đạt được một hiệp định hòa bình, đó có thể là nền tảng mở đường cho Mỹ rút quân khỏi bán đảo – một trong các yêu sách Bình Nhưỡng yêu cầu bấy lâu để “phong tỏa” chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh. Thỏa thuận mà các bên đạt được tại Bàn Môn Điếm vào năm 1953 chỉ quy định ngừng bắn chứ không phải là một hiệp định hòa bình. Ảnh: KCNA
“Chúng ta phải chấm dứt hệ thống đình chiến bất ổn hiện tại và đặt dấu chấm hết cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, vốn vẫn tồn tại bấy lâu” – ông Chun phát biểu tại một buổi hội thảo. Tuy nhiên, ông Chun cũng khẳng định rằng hiệp định này chỉ có thể đạt được một khi Triều Tiên “phi hạt nhân hóa toàn diện”, hãng tin Yonhap dẫn lại lời vị thứ trưởng.
Các chính phủ trước đây của Seoul, dưới thời cựu tổng thống bị phế truất Park Geun-hye và cả người tiền nhiệm Lee Myung-bak, đều theo lập trường bảo thủ và không muốn đả động đến đàm phán một hiệp định hòa bình. Trong khi đó, việc ký kết hiệp định hòa bình với Mỹ cũng từng là một trong các yêu sách hàng đầu cảu Bình Nhưỡng để chấm dứt chương trình hạt nhân.
Giờ đây, dưới thời của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các diễn biến thời gian qua, các chuyên gia không rõ liệu Triều Tiên có còn giữ mục tiêu ký kết hiệp định hòa bình hay không. Trong giai đoạn khủng hoảng tháng 4-2017 đến nay, Triều Tiên đã nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân đồng thời lên án các chính sách thù địch của Mỹ nhắm vào nước này.
Trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Chủ tịch HĐND Bình Nhưỡng đã khẳng định Triều Tiên nay “đã thật sự trở thành một cường quốc hạt nhân”.