Hàn Quốc và công nghệ biến rác thải thực phẩm thành điện năng

(PLO)- Tại Hàn Quốc, rác thải thực phẩm đã không còn là đồ bỏ đi mà thay vào đó được tái chế để tạo ra năng lượng xanh, phân bón và làm thức ăn cho gia súc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ 5 giờ sáng mỗi ngày, hàng chục xe tải chở hơn 400 tấn rác thải thực phẩm từ các nhà hàng và hộ gia đình đến Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon (Hàn Quốc).Tại đây, các kỹ sư sẽ biến chúng thành năng lượng xanh để cấp điện cho khoảng 20.000 hộ gia đình.

Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon là một trong khoảng 300 cơ sở tái chế rác thải thực phẩm tại Hàn Quốc. Những cơ sở này cho phép Hàn Quốc tái chế gần như toàn bộ 15.000 tấn rác thải thực phẩm hàng ngày, có thể ủ thành phân bón, làm thức ăn cho gia súc hoặc biến thành khí sinh học – một loại năng lượng tái tạo.

Ông Jeong Goo-hwang – giám đốc điều hành của Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon – cho biết: "Nơi này xử lý một nửa tổng lượng rác thải thực phẩm hàng ngày mà TP Daejeon thải ra”. Daejeon là TP có 1,5 triệu dân, cách Seoul khoảng 2 giờ đi xe.

Nếu không có những nhà máy tái chế này, hầu hết rác thải thực phẩm sẽ đi xuống đất, gây ô nhiễm đất và tạo ra khí methane - một loại khí nhà kính nguy hiểm hơn cả carbon dioxide (CO2) về mặt gây nóng lên toàn cầu trong ngắn hạn.

Rác thải thực phẩm cũng có thể biến thành điện năng
Phân loại rác thải thực phẩm trước khi tái chế tại Hàn Quốc. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Hàn Quốc bắt đầu hoạt động tái chế rác thải thực phẩm từ 20 năm trước. Vào thời điểm đó, người dân Hàn Quốc vứt bỏ 98% rác thải thực phẩm. Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, ngày nay, 98% rác thải thực phẩm được biến thành thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ hoặc năng lượng.

Hàn Quốc làm được điều này bằng cách cấm người dân đổ rác thải thức ăn vào bãi rác và yêu cầu tất cả người dân phải phân loại rác thải thực phẩm. Nước này cũng đặt ra hình phạt với những ai vi phạm.

Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có hệ thống quản lý rác thải thực phẩm trên toàn quốc.

Thói quen ăn sâu vào tiềm thức

Khi mới được triển khai, chính sách liên quan rác thải thực phẩm vấp phải sự phản đối của người dân, vì họ phải trả tiền để xử lý thức ăn thừa. Nhưng hiện nay, hơn 50 triệu dân Hàn Quốc coi việc tái chế rác thải thực phẩm là một phần của cuộc sống hàng ngày.

Một số tòa nhà cao tầng ở thủ đô Seoul có thùng rác điện tử có thể cân rác thải thực phẩm. Số lượng rác thải thực phẩm của người dân cũng sẽ được ghi lại và bị tính phí. Đối với những người khác, họ phải trả tiền để mua loại túi chuyên dùng đựng rác thải thực phẩm và phải bỏ đúng nơi quy định. Những người tự ý đổ rác thải thực phẩm vào thùng rác thông thường có thể bị phạt.

Anh Lee Jaeyoung sống tại Seoul. Hằng ngày, anh sử dụng túi chuyên dụng để đựng thức ăn thừa. Anh cho biết điều này đã trở thành một phần trong công việc hàng ngày. “Tôi cảm thấy có chút hài lòng khi biết rằng mình đang góp phần giảm lượng khí thải carbon" – anh Lee nói.

Đối với các chủ quán, việc phân loại rác thải thực phẩm có phần vất vả hơn. Bà Yun-jung Ryew là chủ của một quán buffet ở Seoul. Các món ăn tại quán của bà Yun thường có nhiều món banchan (các món ăn kèm). Bà đã thử nhiều cách để giảm lãng phí thực phẩm và nhằm giảm phí xử lý.

imrs (2).jpg
Một khách hàng ăn thịt nướng tại nhà hàng ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: THE WASHINGTON POST

Theo đó, bà Yun thường vắt chất lỏng ra khỏi rác thải thực phẩm trước khi phân loại và cũng nhắc nhở khách hàng về tác động kinh tế và môi trường của rác thải thực phẩm. Thậm chí, quán bà còn có ghi chú nhắc nhở khách rằng nếu để lại thức ăn thừa có thể bị phạt một khoản phí nhỏ.

Thách thức vẫn còn

Phân loại rác thải thực phẩm là một việc khó khăn. Trong hệ thống phân loại rác thực phẩm của Hàn Quốc hiện nay, trứng, thịt gà và hành tây có thể được ủ thành phân hữu cơ. Tuy nhiên, vỏ trứng, xương gà và rễ hành thì không dùng ủ phân được.

Các loại sản phẩm nhựa dùng một lần, chất thải động vật đôi khi cũng được cho vào thùng rác thải thực phẩm. Nếu những vật này được đưa đến các cơ sở tái chế với số lượng lớn, chúng có thể gây hư hỏng máy móc tái chế.

imrs (3).jpg
Nơi chứa rác thải thực phẩm tại Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon (Hàn Quốc). Ảnh: THE WASHINGTON POST

Nhiều nông dân không muốn cho gia súc ăn thức ăn chăn nuôi làm từ rác thải thực phẩm và không muốn dùng phân bón làm từ rác thải thực phẩm, vì chúng có mùi và quá nhiều natri.

"Đã có những trường hợp gia súc bị chết vì thức ăn chăn nuôi được làm từ rác thải thực phẩm. Nhiều người cũng lo ngại tăm, mảnh nhựa hoặc kim có thể bị lẫn vào thực phẩm thừa và được biến thành thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón" - theo ông Park Jeong-eum, trưởng một nhóm hoạt động môi trường tại Hàn Quốc.

Đó là lý do tại sao Hàn Quốc ngày càng đầu tư vào các trung tâm khí sinh học như trung tâm ở Daejeon. Các trung tâm giúp làm giảm ô nhiễm và khí thải, đồng thời tạo ra năng lượng.

Tuy nhiên, hệ thống tái chế rác thải này không thể áp dụng với tất cả quốc gia trên thế giới. Theo ông Jonathan Krones – PGS kỹ thuật tại ĐH Brandeis (Mỹ), việc vận hành hệ thống này còn phụ thuộc vào mật độ dân số, chi phí vận chuyển, cách thức thiết lập tiêu chuẩn rác thải thực phẩm tại từng quốc gia.

Theo ông Krones, cách tốt nhất để giảm thiểu rác thải thực phẩm và ô nhiễm là chọn thực phẩm phù hợp và đủ cho bữa ăn.

Vấn đề toàn cầu

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết có tới 31% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí. Số thực phẩm này đủ để nuôi sống hơn 1 tỉ người bị đói. Theo ước tính, lãng phí thực phẩm gây ra 6%-8% lượng khí thải toàn cầu.

“Đây là một trong những vấn đề môi trường lớn nhất — và ngu ngốc nhất — mà chúng ta đang gặp phải ngày nay” – ông Jonathan Foley, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Project Drawdown, cho biết.

Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, một người bình thường tạo ra khoảng 120 kg rác thải thực phẩm/năm. Một người Mỹ tạo ra 137 kg rác thải thực phẩm/năm, cao hơn so với 110 kg rác thải thực phẩm/năm của một người Hàn Quốc. Người Malaysia đứng đầu bảng xếp hạng với 260 kg rác thải thực phẩm/năm, trong khi người Slovenia tạo ra 61 kg rác thải thực phẩm/năm – mức thấp nhất thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm