Hàn Quốc vào cuộc điều tra quy mô lớn thảm kịch máy bay với nhiều dấu hỏi

(PLO)- Sau thảm kịch máy bay nghiêm trọng, bên cạnh bảy ngày quốc tang tưởng nhớ 179 nạn nhân, Hàn Quốc khởi động cuộc điều tra quy mô lớn làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Ngày 30-12, một ngày sau thảm kịch máy bay tại Sân bay quốc tế Muan (tây nam Hàn Quốc), công tác điều tra nguyên nhân và việc lo hậu sự cho các nạn nhân bắt đầu khi hoạt động tìm kiếm tại hiện trường vụ tai nạn kết thúc.

Thảm kịch xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng 29-12 (giờ địa phương). Một máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air chở 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn trượt khỏi đường băng khi hạ cánh bằng bụng tại Sân bay quốc tế Muan (huyện Muan, tỉnh South Jeolla), tông vào rào chắn bê tông và phát nổ khiến 179 người chết.

Đến 9 giờ tối 29-12, chính quyền Hàn Quốc xác nhận số người chết trong thảm kịch này là 179, tức là chỉ có 2 người sống sót.

Hàn Quốc bắt đầu 7 ngày quốc tang

Đến trưa 30-12 (giờ Hàn Quốc), Bộ Đất đai Hàn Quốc cho biết đã xác định được danh tính của 141 trong số 179 người thiệt mạng bằng cách phân tích DNA và thu thập dấu vân tay, theo hãng thông tấn Yonhap.

Tại buổi họp báo với gia đình các nạn nhân ở Sân bay Quốc tế Muan, bộ này cho biết toàn bộ 179 thi thể đã được chuyển đến nhà xác tạm thời. “Khi các cơ quan điều tra hoàn tất công tác khám nghiệm tử thi, chúng tôi sẽ liên hệ với gia đình để bàn giao thi thể” - một quan chức của Bộ Đất đai Hàn Quốc nói tại cuộc họp báo.

Quan chức này lưu ý rằng những vật dụng cá nhân của các nạn nhân đang được thu gom từ đường băng, nơi chiếc máy bay đã tiếp đất bằng bụng và tông vào rào chắn dẫn đến thảm kịch. Hiện trường tai nạn sẽ được bảo vệ chặt chẽ trong khi chờ các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân.

Một bàn thờ các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch máy bay được đặt tại Công viên thể thao Muan ở huyện Muan (tỉnh South Jeolla, Hàn Quốc) ngày 30-12. Ảnh: AFP

Ngày qua, Hàn Quốc đã bắt đầu bảy ngày quốc tang (kéo dài từ ngày 30-12 đến hết ngày 4-1-2025). Trong thời gian này, các bàn thờ tưởng niệm nạn nhân được dựng lên tại Sân bay Quốc tế Muan và tại 17 tỉnh thành trên khắp Hàn Quốc, đón người dân đến viếng.

Toàn bộ cơ quan trung ương, chính quyền địa phương và các cơ quan công cộng khác sẽ treo cờ rủ, cán bộ công chức sẽ đeo băng tang trong thời gian quốc tang. Quyền tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok ngày qua đã đến địa điểm máy bay gặp nạn để tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

Lãnh đạo các đảng ở Hàn Quốc cũng đến hiện trường thảm kịch để chia buồn với gia đình các nạn nhân và kêu gọi nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Hạ nghị sĩ Kweon Seong-dong - quyền lãnh đạo đảng cầm quyền Sức mạnh Nhân dân (PPP) - cam kết hỗ trợ tổ chức tang lễ cho các nạn nhân khi gặp gỡ gia đình nạn nhân tại sân bay hôm 30-12. “Với tư cách là một chính trị gia và quyền lãnh đạo đảng PPP, tôi xin gửi lời xin lỗi tới người dân và gia đình các nạn nhân vì thảm kịch này. Tôi sẽ làm mọi điều có thể để giải quyết tình hình và làm sáng tỏ sự thật” - ông Kweon nói.

Trước đó, ngày 29-12, Hạ nghị sĩ Lee Jae-myung - lãnh đạo đảng Dân chủ (DP) đối lập - đã gặp gỡ gia đình các nạn nhân tại sân bay và chủ trì một cuộc họp của đảng tại văn phòng ở Muan vào ngày 30-12 để bàn về các biện pháp ứng phó sau thảm kịch.

Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik đã gặp quyền Tổng thống Choi vào sáng 30-12 để thảo luận về các nỗ lực khắc phục hậu quả. Hầu hết các sự kiện tại quốc hội Hàn Quốc đã bị hủy trong ngày 30-12.

Đảng DP cũng tạm gác lại các động thái công kích chính trị nhằm vào đảng cầm quyền và chính phủ liên quan việc Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật. Tổng cộng bốn phiên họp được lên lịch của các ủy ban quốc hội để chất vấn về việc áp đặt thiết quân luật đều hoãn lại.

Cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày qua cũng cam kết hỗ trợ tối đa để ngăn chặn các thảm kịch tương tự trong tương lai.

Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết cơ trưởng trên chuyến bay gặp nạn đã đảm nhiệm vai trò cơ trưởng từ năm 2019 và đã có khoảng 6.800 giờ bay.

Mở cuộc điều tra quy mô lớn

Chính phủ Hàn Quốc ngày 30-12 tuyên bố sẽ tiến hành kiểm tra an toàn toàn bộ máy bay Boeing 737-800 đang được các hãng hàng không nội địa vận hành sau thảm kịch đối với máy bay của Boeing 737-800 Jeju Air.

Ngày 30-12, các nhà chức trách điều tra tại đống đổ nát của chiếc máy bay Jeju Air bị nạn ở Sân bay quốc tế Muan. Ảnh: YONHAP

Một quan chức Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết chính phủ dự kiến kiểm tra kỹ lưỡng xem các quy định an toàn liên quan dòng máy bay Boeing này có được các hãng hàng không tuân thủ đầy đủ hay không, bao gồm việc kiểm tra tỉ lệ sử dụng máy bay, tần suất kiểm tra kỹ thuật và hồ sơ bảo dưỡng.

Dòng máy bay Boeing 737-800 hiện được các hãng hàng không giá rẻ nội địa Hàn Quốc sử dụng rộng rãi. Jeju Air vận hành số lượng lớn nhất với 39 chiếc trong đội bay. Các hãng khác gồm T’way Air với 27 chiếc, Jin Air với 19 chiếc và Eastar Jet với 10 chiếc.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc dự kiến sẽ kiểm tra an toàn nghiêm ngặt đối với Jeju Air sau khi xuất hiện nhiều sự cố liên quan bộ phận hạ cánh của các máy bay từ hãng này. Trong ngày 30-12, một chuyến bay của Jeju Air sử dụng cùng mẫu Boeing 737-800 đã phải quay lại sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Gimpo (thủ đô Seoul) do phát hiện vấn đề liên quan bộ phận hạ cánh.

“Chúng tôi sẽ triển khai các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn hàng không để đối phó với những sự cố liên quan đến bộ phận hạ cánh” - ông Joo Jong-wan, Trưởng ban chính sách hàng không của Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc, phát biểu tại một buổi họp báo.

Ông Joo lưu ý rằng Jeju Air được biết đến với tỉ lệ sử dụng máy bay cao, điều mà một số chuyên gia cho rằng có thể là yếu tố góp phần gây ra thảm kịch ngày 29-12. Yonhap dẫn các nguồn tin trong ngành hàng không rằng chiếc máy bay bị nạn đã thực hiện 13 chuyến bay trong 48 giờ trước khi xảy ra sự cố.

Đến nay, nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được làm rõ. Ông Joo cho biết một trong hai hộp đen của máy bay đã bị hư hỏng bên ngoài. Các hộp đen đã được vận chuyển đến sân bay quốc tế Gimpo để phân tích thêm.

Phía Hàn Quốc xác nhận Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) sẽ tham gia điều tra thảm kịch. Hãng Boeing và nhà sản xuất động cơ máy bay CFM International cũng đã được liên hệ để hợp tác điều tra.

Trong bối cảnh các cuộc điều tra đang diễn ra và các quan chức Hàn Quốc đưa ra giả thiết rằng máy bay va phải chim có thể là lý do dẫn đến thảm kịch, các chuyên gia kêu gọi Hàn Quốc cẩn thận vì những suy đoán có thể ảnh hưởng quá trình điều tra.

Ông David Soucie, cựu thanh tra an toàn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), nhấn mạnh rằng “suy đoán là kẻ thù lớn nhất của điều tra viên”.“Đó là lý do tại sao thông tin liên quan điều tra tai nạn máy bay luôn được bảo mật. Người ta không nên đưa ra suy đoán nào về các sự cố như thế này” - ông Soucie nói với đài CNN.

Chuyên gia tư vấn ngành hàng không Scott Hamilton cũng đồng tình và kêu gọi giới chức Hàn Quốc ngừng đưa ra các tuyên bố nhận định trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra.

GS Kim Kwang-il, chuyên ngành khoa học hàng không tại ĐH Silla (Hàn Quốc) và là cựu phi công, đặt nghi vấn liệu việc thi công tại sân bay có góp phần gây ra vụ tai nạn hay không.

Xem lại hình ảnh hiện trường về cảnh máy bay hạ cánh khẩn cấp nhưng sau đó đâm vào một bức tường, GS Kim cho rằng không nên có “một cấu trúc cứng” nào trong khu vực đường băng. “Thông thường, ở cuối đường băng, không bao giờ có vật cản rắn - điều này đi ngược với các tiêu chuẩn an toàn hàng không quốc tế. Cấu trúc này đã khiến máy bay va chạm, bốc cháy” - ông Kim nhận định với hãng tin AFP.

“Phía ngoài sân bay thường chỉ có hàng rào mềm, không gây thiệt hại nghiêm trọng. Máy bay có thể trượt thêm một đoạn và dừng lại tự nhiên. Sự tồn tại của cấu trúc không cần thiết này là điều đáng tiếc lớn” - vị chuyên gia nói thêm.

Hồ sơ an toàn hàng không của Hàn Quốc

Ngành hàng không Hàn Quốc từ lâu được đánh giá cao về độ an toàn, và vụ tai nạn lần này đánh dấu sự cố chết người đầu tiên trong lịch sử hoạt động của hãng Jeju Air, theo AFP.

Vụ tai nạn gần đây nhất của Jeju Air là vào ngày 12-8-2007, một chiếc Bombardier Q400 của hãng này chở 74 hành khách đã gặp sự cố vì gió mạnh, khiến máy bay trượt khỏi đường băng tại sân bay Busan-Gimhae (TP Busan, Hàn Quốc). Vụ việc làm 12 người bị thương.

Vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên đất Hàn Quốc là vào ngày 15-4-2002, khi chiếc Boeing 767 của hãng hàng không Trung Quốc Air China từ thủ đô Bắc Kinh đâm vào một ngọn đồi gần sân bay Busan-Gimhae, cướp đi sinh mạng của 129 người.

Trong khi đó, vụ tai nạn chết người gần đây nhất liên quan một hãng hàng không Hàn Quốc xảy ra vào ngày 6-7-2013 tại TP San Francisco, bang California (Mỹ). Một chiếc Boeing 777 của Asiana Airlines hạ cánh thất bại, khiến 3 người thiệt mạng và 182 người bị thương.

Thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không Hàn Quốc xảy ra ngày 1-9-1983, khi một máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn hạ chiếc Boeing 747 của Korean Air. Liên Xô khi đó nhầm chiếc máy bay chở khách này là máy bay do thám. Toàn bộ 269 người, bao gồm 246 hành khách và 23 thành viên phi hành đoàn, trên chuyến bay từ TP New York (Mỹ) đến Seoul đều không qua khỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới