Trong hai ngày 21 và 22-8, đoàn khoảng 4.300 khách quốc tế đa quốc tịch đã du lịch bằng tàu biển Spectrum of the Seas đến TP Nha Trang, TP Vũng Tàu và TP.HCM. Đây không phải là lần đầu các hải cảng này đón khách quốc tế đến bằng đường tàu biển, mà từ đầu năm đến nay đã có hàng chục ngàn lượt khách đến Việt Nam (VN) du lịch bằng các siêu tàu.
Những chuyến hải trình đặc biệt
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, sáu tháng đầu năm 2023 đã có hơn 6,6 triệu khách quốc tế đến VN. Trong đó, khách đường biển đạt 30.000 lượt khách. Riêng tỉnh Khánh Hòa đã đón 11 chuyến tàu du lịch biển với hơn 13.000 lượt khách đa quốc tịch lên bờ tham quan.
Ông Wu Huimin, thuyền trưởng siêu du thuyền Spectrum of the Seas của hãng Royal Caribbean, khi tham quan tại cảng Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã chia sẻ: Khi cập cảng biển Tokyo để đón khách, các hành khách Nhật Bản cũng mong ngóng sớm đến VN bởi đây là điểm đến có nhiều cảnh đẹp và con người thân thiện.
Du thuyền hạng sang Spectrum of the Seas cập cảng Cái Mép - Thị Vải vào ngày 22-8. |
Vị thuyền trưởng cho biết trong hải trình 12 ngày đêm, khoảng 4.300 khách sẽ khám phá những điểm đến hàng đầu châu Á. Trong đó, VN có hai điểm tàu cập bến là TP Nha Trang và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các điểm khác gồm Tokyo, Kumamoto, Kagoshima của Nhật Bản, Hong Kong và Singapore.
Trong hải trình này, hàng ngàn khách đa quốc tịch xuống tàu trải nghiệm cảnh đẹp, văn hóa, thưởng thức ẩm thực tại TP Nha Trang, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM.
Bà Angie Stephen, CEO Royal Caribbean International khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết hãng sở hữu đội tàu “khủng” hàng đầu thế giới với 226 chiếc. Lộ trình sắp tới, sẽ có hai siêu du thuyền của hãng quay lại VN, dự kiến sẽ thăm TP Huế, TP Nha Trang và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà Angie Stephen đánh giá tại các điểm tàu cập bến, hàng ngàn khách xuống tàu tỏa ra các hướng trải nghiệm văn hóa, thăm các làng nghề, mua sắm, thưởng thức ẩm thực sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho ngành du lịch VN.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết ngành du lịch tỉnh không bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh, thông tin và cập nhật các điểm đến khi các du thuyền cập cảng.
Bà Hiền đánh giá với lợi thế cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, thời gian gần đây, tỉnh đón ba du thuyền lớn đưa khách tham quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận. Điều này cho thấy du lịch tàu biển đã trở lại bình thường.
Theo bà Hiền, hiện tỉnh đang xây dựng kế hoạch riêng để xúc tiến tàu biển quốc tế như làm phim gửi lên các hãng tàu, các ấn phẩm cung cấp thông tin các điểm đến hấp dẫn. Tháng 10 tới, tại hội chợ xúc tiến tàu biển ở Hong Kong, tỉnh sẽ xúc tiến trực tiếp với các hãng tàu hàng đầu thế giới để tăng lượng khách quốc tế đến với tỉnh bằng đường biển.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch đón khách năm 2024, bên cạnh làm mới các điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hạ tầng giao thông, cảng cũng được chú trọng đầu tư để phục vụ khách di chuyển tốt nhất, không bị ùn tắc” - bà Hiền nói.
Việt Nam với lợi thế nằm giữa hai trung tâm du thuyền hàng đầu của châu Á là Hong Kong và Singapore nên các hãng tàu đưa vào danh sách điểm dừng để khách lên bờ trải nghiệm, mua sắm.
Tàu lớn, khách chi tiêu cao
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đánh giá mỗi năm trên thế giới có 15-16 triệu khách du lịch tàu biển. Lượng khách tuy không lớn nhưng đây là phân khúc có mức chi tiêu cao, thời gian kéo dài. Đặc biệt, trong hành trình, các siêu du thuyền sẽ quảng bá cho các cảng, hình ảnh của địa phương, văn hóa, ẩm thực và chi tiêu mua sắm tại các điểm đến.
Theo ông Phương, trước đây du thuyền phát triển ở châu Âu - Mỹ, nhiều năm trở lại đây, các hãng tàu đã di chuyển sang châu Á để phục vụ khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore du lịch trên du thuyền hạng sang với đầy đủ nhu cầu mua sắm, trải nghiệm.
“VN với lợi thế nằm giữa hai trung tâm du thuyền hàng đầu của châu Á là Hong Kong và Singapore nên các hãng tàu đưa vào danh sách điểm dừng để khách lên bờ trải nghiệm, mua sắm. Dọc đất nước có nhiều cảng nước sâu để những du thuyền lớn cập bờ, thuận lợi kết nối với các điểm du lịch, nền văn hóa, trung tâm mua sắm để khách dễ dàng vui chơi, di chuyển” - ông Phương đánh giá.
Theo ông Phương, nhiều năm qua, Tổng cục Du lịch cùng các hãng tàu, doanh nghiệp lữ hành, thuyền trưởng các hãng tàu lớn khảo sát các điểm đến dọc đất nước. Qua khảo sát, hầu hết hãng tàu và thuyền trưởng đều thích thú với cảnh vật thân thiện, dễ kết nối văn hóa, du lịch vùng miền.
Dù tiềm năng rất lớn, tuy nhiên ông Phương chỉ ra một số hạn chế khiến du lịch biển chưa như kỳ vọng, đó là hạ tầng, cầu cảng dành cho tàu khách chưa tương xứng. Hiện cả nước mới chỉ có cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long có đủ tiêu chuẩn phục vụ du thuyền với đầy đủ cầu cảng, khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh. Còn lại các du thuyền chở khách quốc tế chủ yếu cập cảng tàu hàng, không có cảng để làm thủ tục xuất nhập cảnh như tại các sân bay hay cửa khẩu đường bộ.
“Việc này đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư, tuy nhiên về lâu dài cần hoàn thiện một số cảng trọng điểm để khách hài lòng” - ông Phương nói.
Ông Phương phân tích thêm: Du lịch đường biển, thông thường ban đêm khách trải nghiệm tại chỗ, ban ngày cập cảng di chuyển vui chơi. Vì vậy, các điểm đến cần tổ chức các dịch vụ mua sắm, ăn uống và trải nghiệm hấp dẫn, thậm chí có chợ đêm gần nơi tàu neo đậu để kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu. “Nếu bỏ ngỏ việc này, khách chỉ dừng chân rồi lên tàu di chuyển sẽ không mang lại nguồn thu, mất cơ hội quảng bá du lịch” - ông Phương nói.•
Việt Nam thiếu hụt bến du thuyền cá nhân
Ngoài du thuyền cỡ lớn, chúng ta chưa thu hút phân khúc cấp cao du thuyền cá nhân là điều đáng tiếc. Vì VN nằm giữa hai trung tâm du thuyền lớn là Singapore và Hong Kong, nơi tập trung du thuyền cá nhân đông đúc nhất châu Á.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có nhiều bến du thuyền cá nhân, ngoại trừ hai điểm Nha Trang và Hạ Long. Bến du thuyền cá nhân sẽ mang lại nhiều lợi thế lớn, đó là nơi gửi thuyền, dịch vụ sửa chữa, mua sắm, cung cấp nhiên liệu. Vì vậy, cần có quy hoạch bến du thuyền cá nhân để khách nước ngoài vào VN nhiều hơn, qua đó quảng bá vị thế, hình ảnh du lịch VN tốt đẹp hơn.
Ông NGUYỄN QUÝ PHƯƠNG, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)