Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), dịch COVID-19 khiến ngành hàng không thiệt hại hơn 157 tỉ USD trong năm nay và năm 2021. Hàng triệu việc làm trong ngành hàng không bị ảnh hưởng.
Tại Việt Nam (VN), nhiều cú bồi liên tiếp của dịch bệnh khiến hàng không VN cũng bị khủng hoảng nặng nề, hiện các hãng chỉ khai thác mạng bay nội địa. Kể từ tháng 3 đến nay, đường bay thương mại quốc tế vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại, ngoại trừ các chuyến bay giải cứu đưa công dân VN về nước.
Năm buồn của ngành hàng không
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết năm 2020, thị trường vận tải hàng không VN giảm mạnh so với các năm trước, sản lượng điều hành bay ước đạt 424.000 chuyến, giảm 548.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. Thậm chí, có ngày trên 40 đường bay nội địa chỉ có 100 chuyến bay, trong khi trung bình trên đường bay TP.HCM - Hà Nội là hơn 70 chuyến/ngày/chiều.
Số liệu trên chứng minh cho sự khủng hoảng của ngành hàng không trong nước kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu. Hồi giữa tháng 6-2020, trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines - ông Trần Thanh Hiền liệt kê chi tiết các khoản lỗ mà hãng hàng không này gánh do khủng hoảng từ đại dịch. Theo ông Hiền, khoản lỗ của hãng dự kiến 15.000-16.000 tỉ đồng trong năm 2020. Đáng chú ý, trong hai tháng 2 và 3, hãng phải hoàn trả gần 4.400 tỉ đồng tiền vé cho khách hàng vì các chuyến bay bị hủy. Đây là nguồn cơn khiến dòng tiền của hãng có nhiều máy bay nhất tại VN với 100 chiếc mất nhanh. Chưa kể, khách đi lại ít khiến 100 chiếc máy bay không cất cánh vẫn phải chi trả nhiều chi phí cố định.
Trưởng Ban tài chính kế toán Vietnam Airlines tính toán nếu không được Chính phủ hỗ trợ, đến tháng 8, hãng có thể cạn tiền và rơi vào trạng thái rất xấu. Tuy nhiên, đến tháng 9, hãng này vẫn chưa cạn tiền như dự kiến, nguyên nhân là do hồi tháng 7 và tháng 8 thị trường nội địa phục hồi, mặt khác hãng tìm nhiều giải pháp linh hoạt như vận chuyển hàng hóa, cắt giảm chi phí, giãn thanh toán với các đối tác.
Tương tự, đại diện hãng hàng không VietJet cho biết dịch bệnh khiến hãng lỗ 2.400 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm. Theo đó, hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ. Để vượt qua khủng hoảng, hãng bay VietJet đề xuất khoản vay 3-5 năm từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp hàng không vay để vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh. Hãng này cam kết sau ba năm có thể trả lãi suất vay ưu đãi và vốn.
Hãng Bamboo Airways cũng thông báo khoản lỗ bằng 1/4 của Vietnam Airlines. Từ đó, phía Bamboo Airways cũng đề xuất vay tái cấp vốn cho các hãng hàng không. Theo đó, các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2%-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản. Pacific Airlines và VASCO cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng từ đại dịch.
Đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu việc làm trong ngành hàng không bị ảnh hưởng, hàng trăm tỉ USD bị thiệt hại. Ảnh: VNA
Hàng không làm gì để sống sót?
Để tồn tại, các hãng hàng không trong nước đã triển khai hàng loạt giải pháp như giảm nhân sự, bố trí lại việc làm, giảm thu nhập của cán bộ và nhân viên, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đàm phán đối tác giãn tiến độ thanh khoản, đẩy mạnh các chuyến bay giải cứu. Cùng với đó, ngành du lịch nội địa đã tung ra các gói kích cầu để kích hoạt người dân đi lại bằng đường hàng không, các hãng đã có thêm nguồn thu dù giá vé trong các hãng đều giảm sâu để cạnh tranh. Tuy nhiên, các hãng bay cho rằng đường bay quốc tế phục hồi mới đem lại doanh thu cao, bù đắp sự thiếu hụt của dòng tiền.
Cùng với đó, nhằm chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã giảm giá bảy loại dịch vụ hàng không cho tất cả hãng hàng không trong nước và quốc tế sử dụng các dịch vụ của ACV. Cụ thể, các dịch vụ giảm giá gồm: Dịch vụ dẫn máy bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng điều chỉnh giảm 50% mức giá dịch vụ cất hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Để giúp hàng không vượt khủng hoảng, giữa tháng 11-2020, Quốc hội đã đồng ý giải cứu Vietnam Airlines gói vay 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm.
Về triển vọng của ngành hàng không năm 2021, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia lĩnh vực hàng không, kiến nghị Chính phủ nên xem xét toàn diện các hãng hàng không đã đóng góp như thế nào, từ đó có chính sách hỗ trợ tương ứng để giúp các hãng hàng không vượt khủng hoảng.
TS Tống đánh giá hiện dịch bệnh trên thế giới khó đoán định, trừ khi có đủ vaccine để khống chế dịch COVID-19, khi đó mới có câu trả lời rõ ràng về triển vọng đường bay thương mại quốc tế nối lại bình thường. Ngược lại, VN với lợi thế 40 đường bay nội địa, cộng với tiềm năng du lịch hấp dẫn trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ thu hút khách du lịch nội địa trong năm tới. “Phải xem cao điểm tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lượng khách đi lại bằng đường hàng không như thế nào mới có dữ liệu để phân tích triển vọng của ngành không trong năm sau” - TS Tống bình luận.•
Cơ hội tốt cho hãng hàng không mới Một điểm sáng đáng ghi nhận, dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sự cộng sinh của ngành du lịch và hàng không, nhưng cuối năm nay thị trường hàng không VN vẫn xuất hiện thêm tân binh hàng không lữ hành Vietravel Airlines. Dù giai đoạn đầu số lượng máy bay của hãng này còn khiêm tốn với ba chiếc, thị phần chiếm lĩnh khá thấp. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên vẫn lạc quan cho biết nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và thị trường ổn định, hãng sẽ lãi từ năm thứ hai trở đi. CEO của Vietravel Airlines phân tích: Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn về mặt thị trường nhưng cũng là cơ hội tốt cho một hãng hàng không mới ra đời. Đó là các chi phí đầu vào như giá thuê máy bay, nhiên liệu, đội ngũ lao động chất lượng cao, chi phí dịch vụ đều giảm rất nhiều. Đi kèm đó là các gói kích cầu, đặc biệt dành cho hàng không và du lịch. |