Không ai ngờ hạng Nhất có giai đoạn nằm ở ngưỡng cửa tạm dừng khai cuộc hoặc thậm chí khai tử khi có đến năm đội xin dừng cuộc chơi thì bỗng dưng trở lại với ít nhất ba đội có tham vọng lớn giành quyền lên hạng. Giới hâm mộ hào hứng bởi sự hồi sinh của các đội bóng hạng dưới cùng sự quy tụ của hàng loạt tuyển thủ quốc gia tự nguyện “xuống hạng” và xôn xao bàn tán giải hạng Nhất vui hơn V-League là vì thế.
Khi các tuyển thủ rủ nhau xuống đá hạng Nhất
Giải hạng Nhất hồi đầu mùa đã phải kéo dài thời gian bốc thăm xếp lịch thi đấu khi có đến năm đội với một lý do chung không đủ kinh phí nên xin bỏ giải. Rất may sau đó một số đội tự “co kéo” hoặc nhờ sự trợ giúp của các đối tác đã xin thi đấu trở lại dù mùa này chỉ còn 11 đội, ít hơn năm ngoái một đội, nhưng lại có đến 1,5 suất thăng hạng V-League.
Chưa có mùa bóng nào xảy ra dòng chảy ngược tuyển thủ quốc gia hay các cựu binh V-League từ cuộc chơi đẳng cấp cao nhất lại đồng loạt rủ nhau về chơi hạng Nhất đông đúc như mùa giải này. Có rất nhiều lời xì xầm bàn tán các cầu thủ nổi tiếng tham tiền và khi đá giải thấp sẽ làm mai một đi khả năng. Nhưng người trong cuộc có cái lý riêng của họ, khi chấp nhận “xuống hạng” để mang về một khoản thu nhập lớn mà V-League không thể có, còn đời cầu thủ lại rất ngắn.
Những người hiểu chuyện ở thời buổi kinh tế khó khăn này đưa ra con số tiền lót tay cho hai tuyển thủ của Ninh Bình là tiền vệ Hoàng Đức bỏ túi 30 tỉ đồng, thủ môn Văn Lâm 27 tỉ 200 triệu đồng, hay Công Phượng chơi cho Bình Phước ba mùa 18 tỉ đồng,… chưa kể lương tháng, là những con số quá hấp dẫn mà không thể từ chối.
Chính sự trỗi dậy của các “ông lớn” mới nổi đã khiến cho những đối thủ khác từng chinh chiến V-League dày dạn như Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Huế không có cửa tranh chấp, thậm chí là chấp nhận làm “sân sau” để giúp cho cuộc chơi xôm tụ hơn. Hạng Nhất vui hơn V-League chính từ hiện tượng có vẻ bất hợp lý nhưng suy cho cùng ở một giải đấu chỉ có chi mà không có thu, thì đồng tiền có tính quyết định mọi thứ.
3 đội tranh 1,5 suất lên hạng
Hiệu quả của các cầu thủ đã thành danh xuống đá hạng Nhất mang lại gần như ngay lập tức hồi cuối tuần qua. Thủ môn tuyển quốc gia Đặng Văn Lâm xuất sắc trên chấm luân lưu 11 mét đã giúp đội bóng mới Ninh Bình “vuốt mũi” CLB TP.HCM đang đá V-League ở vòng loại cúp quốc gia để giành suất vào vòng 1/8. Tương tự, PVF-CAND đánh bại “đội bóng ngổ ngáo” Khánh Hòa 3-2, trong lúc bàn thắng duy nhất của Công Phượng vào lưới Trẻ TP.HCM đưa gương mặt mới Bình Phước đi tiếp.
Đáng chú ý trong số những “đại gia” hạng Nhất có nhiều cửa lên V-League nhất là Ninh Bình với hàng loạt cái tên nổi đình đám, từ Quả bóng vàng Hoàng Đức, bóng đồng Văn Lâm cho đến các cựu tuyển thủ Hữu Tuấn, Thanh Thịnh, Đinh Thanh Bình, Minh Bình,… hay các tài năng trẻ Quốc Việt, Đức Việt của đội U-23.
Không chỉ giới chuyên môn mà đến các khán giả bình thường nhất cũng không ngần ngại dự báo HLV Nguyễn Việt Thắng sẽ không khó đưa các học trò của mình ngay trong mùa đầu tiên đá giải hạng Nhất lên thẳng V-League. Vùng trắng bóng đá Ninh Bình một thời sau nhiều biến cố khi có nhà tài trợ chịu chơi và chịu chi cùng với những gương mặt thân quen sẵn sàng tiền hô hậu ủng không thăng hạng mới lạ.
Xếp sau ứng cử viên nặng ký nhất Ninh Bình là đội bóng PVF-CAND mùa bóng qua suýt lên hạng (thua Hà Tĩnh trận play off) cũng đầu tư rất mạnh mẽ với hy vọng sẽ chơi V-League mùa sau. CLB này duy nhất có thầy ngoại Mauro Jeronimo cùng lực lượng trẻ thiện chiến như các tuyển thủ Thanh Nhàn, Đức Phú, Huỳnh Công Đến, Ngọc Sơn, thủ môn Phí Minh Long,… hay cựu binh Việt kiều dày dạn kinh nghiệm Martin Lo, Ryan Ha hứa hẹn là đối trọng lớn nhất của Ninh Bình.
Thế và lực có vẻ yếu hơn hai CLB kể trên là Bình Phước bất chấp có Công Phượng, Tấn Sinh, Sầm Ngọc Đức, Hồ Sỹ Giáp, Hồ Tuấn Tài, thủ môn Tấn Trường,… có thể chỉ đóng vai kẻ phá bĩnh hoặc may mắn lắm thì giành suất đá play off mà thôi.
Giải hạng Nhất vui hơn V-League ở chỗ sở hữu tham vọng thực sự, không phải chỉ lo trụ hạng hay… sợ vô địch làm khổ khán giả phải xem những trận cầu nhàn nhạt.