Không bàn luận về cách ứng xử của viên công an, bởi vì đúng-sai đã rõ: Tính bất tương xứng giữa cú ra đòn quyết liệt của anh công an với sự vùng vằng yếu ớt của anh hàng rong đã đủ nói lên không thể không áp dụng chế tài nào đó để răn đe những kẻ lạm quyền.
Vấn đề còn lại từ câu chuyện là làm thế nào để sự việc tương tự không tái diễn, làm thế nào để bảo đảm nhân viên công lực luôn ứng xử đúng mực khi thi hành phận sự. Ở đây chỉ đề cập vế đầu, vế sau là trách phận của ngành công an nói riêng và chính quyền nói chung.
Người bị đánh là một người bán hàng rong, là thành viên của một lớp người mà lâu nay người ta thường nhắc đến như là nhân tố tiêu cực trong khuôn khổ các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về các chủ đề vấn nạn ở thành thị: chiếm dụng lề đường, lòng đường, chèo kéo khách gây mất trật tự, xả rác gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường… Hàng rong ở Việt Nam đúng là nhếch nhác, luộm thuộm, lộn xộn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng, đe dọa an toàn giao thông công cộng.
Tuy nhiên, hàng rong cũng là cách kiếm sống chính của số đông người thuộc tầng lớp dưới và tồn tại ở khắp nơi chứ không chỉ ở Việt Nam. Các chuyên gia gọi hàng rong là thành phần kinh tế phi chính thức, như một cách ghi nhận sự đóng góp của kiểu làm ăn này vào sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia. Có những nước, trình độ phát triển ít nhiều tương đồng với Việt Nam - như Thái Lan - đã thành công trong việc tổ chức, kiểm soát hàng rong. Ở đó, người bán hàng rong trên đường phố rất ngăn nắp, biết tôn trọng, giữ gìn trật tự và vệ sinh chung. Có lẽ cần học hỏi kinh nghiệm ở những nơi đó để vận dụng!
Hàng rong vốn là hoạt động kinh tế cá thể, tự phát của người có nhận thức, học vấn ở trình độ thấp. Về phần mình, người bán hàng có thiên hướng di chuyển trong không gian chung theo bản năng tự do hoang sơ: bước ra khỏi cửa là muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Bởi vậy, muốn việc tổ chức, quản lý hàng rong có hiệu quả, cần sự can thiệp chủ động, tích cực của nhà chức trách, theo cách của người giám hộ, dẫn dắt, chứ không thể giống cách làm đối với doanh nghiệp, thậm chí đối với tiểu thương hay thợ thủ công.
Rõ hơn, nhà chức trách trước hết phải tận tình chỉ dẫn cho người bán hàng rong biết rõ những giới hạn của quyền tự do của họ: Được quyền đi đến đâu, triển khai hoạt động trong phạm vi nào, phải tuân thủ những quy tắc gì về trật tự, vệ sinh… Nhà chức trách cũng phải làm cho họ hiểu cái giá đắt mà họ phải trả nếu không tôn trọng những giới hạn đó: bị phạt tiền rất nặng, có thể bị cấm hành nghề tạm thời hoặc vĩnh viễn… Như thế, người bán hàng sẽ nhận thấy lợi ích sống còn của mình gắn chặt với hành vi của mình chứ không còn tặc lưỡi “người ta sao mình vậy, người ta cũng làm đầy ra đó, có sao đâu…”.
Điều quan trọng là trong điều kiện ý thức tự giác của con người ta còn kém, muốn người ta tuân thủ những đòi hỏi của mình thì việc đặt ra những chế tài nghiêm khắc là chưa đủ. Nhà chức trách còn phải thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện các chế tài đó, không xuề xòa, dễ dãi. Mặt khác, nhà chức trách còn phải cho thấy sự nghiêm túc được thể hiện thường xuyên và thái độ đối xử công bằng với mọi người, vào mọi lúc và ở mọi nơi. Nếu nhà chức trách không cho người bán hàng rong chiếm dụng lề đường, lòng đường, không cho xả rác nhưng lại làm ngơ cho nhà hàng, cửa hàng cố định làm các việc đó thì tự nhiên người bán hàng rong sẽ không phục. Và một khi không phục thì chỉ cần nhân viên công lực quay lưng đi nơi khác, anh mua gánh, chị bán bưng lang thang sẽ tiếp tục tung hoành theo bản năng cố hữu.
Nếu có quyết tâm, có kế hoạch thực thi bài bản, kiên trì, không làm kiểu phong trào, làm để có cái mà báo cáo thì chuyện lập lại trật tự đô thị, lòng đường, lề đường không phải là chuyện quá tầm. Và như thế sẽ không còn cảnh phản cảm kiểu viên công an “trấn áp” anh hàng rong, không còn chuyện dư luận xuýt xoa, thương cảm khi thấy mớ rau, con cá bị tịch thu, quẳng lên xe nữa…