“Hiện nay số lượng người nghiện đang gia tăng trong cộng đồng xã hội. Cả nước có trên 200 ngàn người nghiện đang sống trong cộng đồng (chỉ riêng ở TP.HCM là 19 ngàn người - PV). Việc chúng ta đưa người nghiện vào những trung tâm cai nghiện bắt buộc đang rất khó khăn. Việc xử lý vấn đề này đang rất bất cập nhưng trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới. Vấn đề này được các cấp, các ngành, đặc biệt là các bộ, ngành chức năng nhận thức thế nào, nắm tình hình này ra sao?”- bà Tâm đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trong một buổi phỏng vấn. Ảnh: NLĐO
Theo bà Quyết Tâm, trước tình hình đó, để giải quyết vấn đề này, Đoàn đại biểu TP. HCM đã lắng nghe ý kiến của nhân dân thành phố, các đồng chí lãnh đạo thành phố và đã có văn bản gửi đến đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí có trách nhiệm của các cơ quan của QH.
“Hôm nay tôi phát biểu vấn đề này mong các đoàn ĐBQH, các ĐBQH chia sẻ, chúng ta cần phải có một hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề này”- bà Tâm nói.
Cũng theo bà Quyết Tâm, Luật Xử lý VPHC năm 2012 có hiệu lực từ 1-1-2014, nhưng để triển khai đưa luật này vào thực tiễn còn rất nhiều vấn đề bất cập, thiếu nhiều văn bản hướng dẫn.
Số người nghiện hiện nay còn rất đông trong cộng đồng, và một khi người nghiện thiếu thuốc thì có những hành vi rất khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội mà người dân đang rất quan tâm, rất bức xúc.
Đoàn ĐBQH TP. HCM đề nghị QH cần xem xét, nghiên cứu, cho phép một số giải pháp tình thế đối với công tác cai nghiện tại TP. HCM và một số địa phương khác có điều kiện với một nghị quyết của QH. Nếu chưa đưa ra được một Nghị quyết riêng thì Nghị quyết của QH về kinh tế- xã hội phải nêu vấn đề này một cách rõ ràng. Tuy nhiên, đoàn ĐBQH TP. HCM đề nghị QH nên cân nhắc và có một Nghị quyết riêng, vì chỉ như vậy mới cho phép tháo gỡ những vấn đề mà luật pháp đang còn bất cập, khó khăn trong quá trình giải quyết.
Nghị quyết cần nêu các vấn đề: Cho phép các đơn vị, hoặc cho phép TP. HCM làm thí điểm, khi test phát hiện dương tính với chất ma túy thì có thể đưa người đó vào các trung tâm giáo dưỡng để trước mắt cắt cơn cho người nghiện, sau đó dùng các biện pháp để giải độc cho cơ thể người nghiện và tư vấn về tâm lý trong khi chờ làm các thủ tục, mà theo đánh giá của các cơ quan chức năng, để hoàn thành các thủ tục đó đưa sang tòa án có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc phải mất cả một năm.
“Một năm con nghiện ở ngoài xã hội gây ra biết bao hệ lụy. Nếu thực hiện vấn đề này sẽ có lợi cho người nghiện, họ được sống trong một môi trường an toàn, tránh xa những cám dỗ mà người nghiện rất khó kiểm soát. Đây là việc làm cần thiết, nhân đạo, có trách nhiệm xã hội đối với người nghiện, gia đình người nghiện và những người khác trong xã hội. Kính mong QH xem xét vấn đề này một cách hết sức có trách nhiệm và nghiêm túc để có một nghị quyết về vấn đề này, ngay trong kỳ họp này” bà Tâm đề nghị.