Ngày 8-5, đoàn công tác Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi khảo sát tại cơ sở xã hội Bình Triệu và làm việc với UBND TP.HCM về việc đưa người không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (từ ngày 5-12-2014 đến ngày 30-4-2015).
Chỉ có 30% người nghiện có thông tin
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: Qua gần năm tháng triển khai đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, thành phố đã đưa vào cơ sở xã hội 3.193 người. Nhưng trong số đó chỉ có 30% số người nghiện có thông tin, tài liệu nằm trong danh sách đợt rà soát, thống kê tiến hành năm 2013 và 70% không nằm trong danh sách thống kê (53% có hộ khẩu tỉnh, 17% có hộ khẩu TP.HCM nhưng bỏ nhà sống lang thang). Điều này cho thấy tình trạng người nghiện sót lọt, không có hồ sơ quản lý còn nhiều khiến tình hình phức tạp.
“Việc xác minh tình trạng cư trú của đối tượng gặp nhiều khó khăn do thành phố tập trung nhiều người nghiện từ nhiều tỉnh, thành khác đến. Mặt khác, người nghiện đã từng đi cai nghiện nhiều lần nên nắm được quy định về xác minh nơi cư trú nên cố tình khai nhiều địa chỉ, khai không đúng sự thật để không xác định được nơi cư trú. Đồng thời việc phối hợp xác minh nơi cư trú tại các tỉnh, thành khác, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn, chậm trễ” - ông Khiết cho biết.
Cũng theo ông Khiết, do Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi nên đối tượng này chưa được hỗ trợ, giúp đỡ để cắt cơn, giải độc tư vấn tâm lý và áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Một phiên tòa họp xét đưa người không có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở xã hội Bình Triệu. Ảnh: H.LAN
Cần quy định cụ thể hơn
Bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP, cho rằng các bộ, ngành cần ban hành quy định cụ thể, rõ ràng để thành phố có cơ sở thực hiện Nghị định 94/2009 về việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho người có nơi cư trú ổn định song song với việc đưa người không có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện bắt buộc. “Bởi nếu không thực hiện được nghị định này thì số người nghiện có nơi cư trú ổn định và không ổn định sẽ ngang nhau gây ra sự phức tạp kéo dài” - bà Châu lưu ý.
Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, thông tin hiện cả nước chỉ có 10 tỉnh, thành lập cơ sở xã hội để cắt cơn, giải độc trong thời gian chờ tòa án ra phán quyết đưa đi cai nghiện bắt buộc. Có 23 tỉnh, thành đã đưa được khoảng 2.600 người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, trong đó TP.HCM đã chiếm gần 2.000 người. “Đây là kinh nghiệm cần phổ biến nhân rộng ra toàn quốc…” - ông Hiền nói. Ông Hiền cũng nhìn nhận việc triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến vấn đề cai nghiện còn chậm. Ông cho biết sẽ báo cáo tham mưu bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các văn bản hướng dẫn sao cho đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian.
Qua năm tháng triển khai, chủ tịch UBND xã, phường đã ban hành 3.193 quyết định đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội để quản lý. Cơ sở xã hội đã xác định tình trạng nghiện cho 3.055 người, trong đó nghiện heroin là 1.764 trường hợp, ma túy tổng hợp là 1.291 trường hợp, có 224 trường hợp chưa xác định được tình trạng nghiện, hầu hết là ma túy tổng hợp, chiếm tỉ lệ 17% số người nghiện ma túy tổng hợp. Có 545 trường hợp hủy quyết định đưa vào cơ sở xã hội do xác định tình trạng cư trú ổn định, chưa xác định được tình trạng nghiện, dưới 18 tuổi… Đã hoàn tất hồ sơ và đề nghị TAND xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 2.015 người. TAND các quận, huyện đã họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 1.794 trường hợp và đã đưa 1.968 người nghiện ma túy thi hành quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc. |