Cai nghiện tại cộng đồng: Khó quá!

Hiện các phường vẫn đang rà soát người nghiện không có nơi cư trú ổn định để đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc (không đóng phí). Riêng đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, các phường, xã đang lập hồ sơ cho cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và giáo dục tại địa phương. Sau khi chấp hành xong hai quyết định này mà người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng ma túy thì mới được đưa đi cai nghiện bắt buộc. Thế nhưng không phải ai cũng tự cai tại nhà hay cộng đồng được.

Không có tiền cai tự nguyện

Hiện nay, các địa phương chưa kịp chuẩn bị xong cơ sở cắt cơn, giải độc tại địa phương nhằm hỗ trợ người nghiện cai tại nhà và cộng đồng (theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014). Do đó các phường chủ yếu vận động người nghiện đăng ký tự nguyện đi cai tại các trung tâm (có đóng phí). Tuy nhiên, không phải người nghiện nào cũng có tiền để vào trung tâm cai.

Ông LQA, ngụ phường 12, quận 4 bắt đầu sử dụng ma túy từ bảy năm trước. Ông được đưa vào Trung tâm Phú Đức (Bình Phước) cai nghiện. Cai được một năm thì ông bỏ trốn. Để có tiền sử dụng thuốc, ông buôn bán ma túy và bị tuyên án tù ba năm. Về lại địa phương, ông tiếp tục tái nghiện. Không muốn mãi ngập chìm trong ma túy, ông đã mua thuốc hỗ trợ về tự cai tại nhà hai lần nhưng không thành công. Hằng ngày, ông chạy xe ôm, vợ đi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng nên chỉ đủ lo cho đứa con đang học lớp 7, không đủ khả năng đóng phí cho ông đi cai tự nguyện. “Mỗi lần cai sống, tôi phải mua rượu để uống vào cho quên đi cơn ghiền thuốc. Trong thời gian đó, tôi phải cưỡng lại lời rủ rê của bạn bè bằng cách nhờ người nhà nói là đi vắng để tránh mặt. Nhưng dứt cơn thì phải ra ngoài, gặp lại môi trường bạn bè cũ thì cơn thèm thuốc lại trỗi dậy…”, ông A. lý giải nguyên nhân tái nghiện. Biết đến chương trình điều trị nghiện thay thế bằng thuốc methadone, ông tìm đến đăng ký nhưng trường hợp của ông chưa được ưu tiên (do chưa chấp hành xong thời gian cai nghiện tại trung tâm).

Bà Võ Ngọc Huỳnh Như, cán bộ quản lý sau cai phường 12, quận 4, xác nhận: Ông LQA có nguyện vọng muốn vào trung tâm cai nghiện tự nguyện. Hoàn cảnh gia đình ông lại khó khăn nên tổ cai nghiện đang tư vấn cho ông A. lập kế hoạch cai nghiện tại nhà, nhờ sự hỗ trợ, giám sát của người nhà và trạm y tế phường.

Phường 18, quận 4 thăm hỏi, động viên người nghiện có nơi cư trú ổn định cai tự nguyện tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy. Ảnh: VT

Khó cai tại nhà

Nguyên tắc để cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là gia đình người nghiện có trách nhiệm phối hợp với phường giám sát, quản lý người nghiện. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Viết Tiến, cán bộ quản lý sau cai phường 18, quận 4, phần nhiều gia đình người nghiện lo làm ăn kiếm sống, không quan tâm đến họ. Phường phải cố gắng thuyết phục gia đình hợp tác thì mới lập được hồ sơ cho cai nghiện tại gia đình hoặc các cơ sở có chức năng cai nghiện tại cộng đồng.

Riêng người nghiện ma túy đá mà cai tại nhà là rất khó thành công. Ông Lê Thu Hoài, cán bộ tư pháp phường Cô Giang, quận 1, lo ngại: “Gia đình rất khó kiểm soát người nghiện ma túy đá. Lý do là họ không có triệu chứng lên cơn như nghiện heroin mà thường bị ảo giác, dễ có hành vi gây nguy hiểm cho người xung quanh nên cần thiết phải có cơ sở chuyên môn quản lý đối tượng này. Hiện tại phường vẫn đang lúng túng khi lập kế hoạch cai nghiện tại nhà và cộng đồng, nhất là người nghiện ma túy đá”.

Cần tiếp sức

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận 8 nhìn nhận rằng chi phí vào trung tâm cai nghiện tự nguyện là gánh nặng đối với người nghiện và gia đình. Trước 2014, thực hiện Kế hoạch số 5862 của UBND TP, người có hoàn cảnh gia đình không đủ khả năng đóng phí sẽ được xem xét miễn, giảm phí khi tự nguyện cai nghiện tập trung tại các cơ sở chữa bệnh. Do đó, người nghiện và gia đình mạnh dạn đăng ký cai nghiện, giúp giải quyết được nhiều trường hợp. Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực thì quy định trên không được áp dụng nữa.

Để hỗ trợ người nghiện cai tại cộng đồng, quận 8 đang xây ba phòng cắt cơn, giải độc trong khuôn viên trung tâm y tế dự phòng. Hiện các phòng đang chờ thẩm định để được đưa vào sử dụng.

Theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, thì Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đang tham mưu UBND thành phố tiếp tục hỗ trợ chi phí điều trị cắt cơn cho người nghiện có hoàn cảnh khó khăn khi có xác nhận của cấp xã.

Theo ông Du, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp để tất cả người nghiện đều được nằm trong chương trình cai nghiện. Cụ thể như chỉ đạo các địa phương có đủ điều kiện vật chất thì lập ngay cơ sở điều trị cho người nghiện, địa phương nào không có điều kiện thì liên kết với các điểm cai nghiện khác; mở rộng và xã hội hóa điều trị bằng methadone…

Cai nghiện tại cộng đồng: Khó quá! ảnh 2
 
Theo quy định, muốn đưa người nghiện có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện bắt buộc thì phải chứng minh họ đã chấp hành hai quyết định sau đây mà vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Hai quyết định này gồm quyết định cai nghiện tại gia đình và cộng đồng 6-12 tháng và quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường 3-6 tháng. Như vậy là quá lâu! Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH đang đề xuất TP chỉ ban hành một quyết định với hai nội dung gồm cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và giáo dục tại xã, phường với một mốc thời gian chung là sáu tháng. Sau khi thực hiện xong quyết định này mà người nghiện vẫn sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị áp dụng đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo Nghị định 221/2013-NĐ-CP.

Ông TRẦN NGỌC DU, Chi cục trưởng Chi cục Phòng,
chống tệ nạn xã hội TP.HCM

TP.HCM hiện có 9.000 người nghiện có hồ sơ quản lý tại  địa phương. Trong số đó, có hơn 2.200 người đang tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone. 156 người đã được các phường, xã lập được quyết định cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, trong đó mới có 27 trường hợp đã chấp hành xong quyết định. Số người được TP đồng loạt đưa đi cai nghiện bắt buộc từ trước tết đến nay là khoảng 2.400 người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định.

Nguồn: Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm