Ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Nhà máy gỗ Cà Mau, cho biết đã họp lãnh đạo công ty và quyết định đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc dài hạn. “Chúng tôi nhiều lần đề nghị Nhà nước tìm giải pháp để lâm sản lưu thông trong các mùa mưa nắng hơn ba năm qua nhưng không được quan tâm đúng mức. Hiện toàn bộ lâm sản ở rừng U Minh Hạ (Cà Mau) bị tắc đường đến nhà máy” - ông Khải bức xúc.
Gỗ bạt ngàn, nhà máy vẫn “đói” nguyên liệu
Từ ba tháng qua, nhiều cánh rừng keo lai ở U Minh Hạ đến lứa thu hoạch nhưng không có đường vận chuyển nên người dân đành đứng ngó. Trong khi các nhà máy chế biến gỗ lại “đói” nguyên liệu trầm trọng và giá cả gỗ nguyên liệu lại bị đẩy lên cao. Ông Nguyễn Văn Bình, một thương lái gỗ nguyên liệu ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), cho hay các nhà máy gỗ đặt hàng liên tục, người dân cũng đồng loạt kêu bán gỗ. “Có đơn hàng đến 5.000 tấn gỗ keo lai giá cao. Nhưng nước các con kênh khô kiệt, không có cách nào vận chuyển gỗ ra khỏi rừng được” - ông Bình nói.
Cũng thời điểm này, các công ty lâm nghiệp U Minh Hạ cũng thông báo bán đấu giá hàng loạt cánh rừng keo lai nhưng người mua lưa thưa do ngại đường chở gỗ. Trong khi đó, nhiều hộ dân có rừng nhỏ lẻ, thấy giá gỗ tăng cao đã cố gắng khai thác. Anh Nguyễn Văn Kha (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) kể: “Xóm tôi có tám hộ đang khai thác tràm và cả keo lai. Kênh cạn quá phải hùn nhau bỏ tiền ra thuê người đi vét kênh để vận chuyển gỗ ra. Hộ nào cũng tốn cả chục triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí khi mướn người ta vác từng cây qua đê”.
Chỉ hai cây cột điện trung thế nhưng mất gần hai tháng vẫn chưa dời được và nhiều nhà máy gỗ đóng cửa, công nhân mất việc. Ảnh: TRẦN VŨ
Hiện đi dọc theo hệ thống đê bao bảo vệ rừng U Minh Hạ, đâu đâu cũng thấy cảnh nông dân vác từng cây gỗ, từng bao lúa, quày chuối qua đê. Nhưng thiệt hại nặng nhất là các công ty lâm nghiệp, với hàng chục ngàn tấn gỗ mỗi năm nhưng chỉ khai thác được trong ba tháng mùa mưa gây ra cảnh dồn hàng, dội chợ nên giá thấp. Theo tính toán, sản lượng gỗ có thể khai thác trong năm 2015 không dưới 400.000 tấn nên nếu đường chở gỗ không được khai thông sẽ gây lãng phí lớn.
Hai trụ điện làm nhiều nhà máy đóng cửa
Năm 2007, Cà Mau trồng cây keo lai trên khoảng 30.000 ha đất rừng sản xuất. Đến nay nhiều cánh rừng bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ và trong năm 2015 có khoảng 4.000 ha được phép khai thác. Dự kiến từ năm 2016 trở đi, sản lượng khai thác gỗ tại cánh rừng sản xuất của U Minh Hạ sẽ cho sản lượng gỗ trên 600.000 tấn/mỗi năm.
Trước việc các cống, đập chỉ mở cửa khi mưa ròng (tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch) nên nhiều năm qua, các công ty gỗ đã đề nghị chính quyền tỉnh Cà Mau có giải pháp tháo thông đường chở gỗ. Trong đó, Công ty Gỗ Cà Mau có nhà máy gỗ cần trên 200.000 tấn/năm đã đề xuất mở đường từ hai năm qua với nhiều giải pháp khác nhau. Theo ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Công ty Gỗ Cà Mau, khi đầu tư nhà máy (trên 200 tỉ đồng, vào năm 2013) đã đề xuất bỏ vốn làm âu thuyền, rồi đưa các giải pháp chuyển gỗ bằng cẩu trục, cẩu dây… song đến nay đường vẫn tắc. “Từ ba tháng qua, công ty hoạt động cầm chừng nhờ số gỗ dự trữ nhưng nay đã ngưng hoạt động hoàn toàn vì hết nguyên liệu” - ông Khải bức xúc.
Được biết tháng 10-2014, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương làm cẩu dây chở gỗ nhưng kế hoạch ì ạch vì nơi dự kiến đặt cẩu hiện vẫn vướng hai cột điện trung thế. Trả lời qua điện thoại, ông Trần Quốc Nam, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau (đơn vị được giao dời cột điện), lý giải việc chậm trễ do phải làm theo quy trình. Trong khi đó, ông Khải cho biết vì chuyện ách tắc này, 200 công nhân tại nhà máy sẽ mất việc trong ít nhất là ba tháng nữa. Cạnh đó, hơn 300 người ở bộ phận khai thác và vận chuyển gỗ cũng sẽ mất việc nhiều tháng nữa.
Sở NN&PTNT đang… tiếp tục nghiên cứu Trả lời bằng văn bản với Pháp Luật TP.HCM, Sở NN&PTNT cho biết đã và đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm phục vụ vận chuyển nông lâm sản ở rừng U Minh Hạ. Một số giải pháp đã được xác định là nạo vét các trục kênh chính để phục vụ vận chuyển. Sở cũng đang cho các bộ phận nghiệp vụ nghiên cứu thêm các giải pháp như âu thuyền, cẩu trục, cẩu dây… Tuy vậy, chiều 7-5, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết đã thuê nhà thầu dời khẩn cấp hai trụ điện. Theo đó, trễ nhất là một tuần nữa chúng sẽ được dời đi để nhà đầu tư đặt cẩu gỗ. Vì tính cấp bách phục vụ vận chuyển hàng hóa, tỉnh đã cho phép thi công trước, thủ tục sau. |