Nhiều thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển đã đến Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trả lại, đồng thời xin cấp giấy báo điểm để đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường khác - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sáng 28-8, hàng chục thí sinh ở TP.HCM và các tỉnh đến Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM để xin đổi giấy báo nhập học lấy... giấy chứng nhận kết quả thi. Đây là các thí sinh bị nhà trường “ép” trúng tuyển trong khi họ không hề có nguyện vọng học. Bất ngờ... trúng tuyển!
Về việc tuyển sinh không phép của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đã yêu cầu trường báo cáo cụ thể quá trình tuyển sinh, đào tạo, số lượng sinh viên đang theo học. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét những sinh viên này còn thiếu những môn học nào, trường đã bổ sung kiến thức cho sinh viên hay chưa để xem xét từng trường hợp cụ thể. Đây là việc liên quan đến quyền lợi của sinh viên nên Bộ GD-ĐT phải xem xét thận trọng. Riêng sai phạm của trường, Bộ GD-ĐT sẽ có xử lý sau. M.G. |
Trước đó, hàng trăm thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngỡ rớt đã hết sức bất ngờ khi được trường gọi nhập học. Đó là các thí sinh không đạt được mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 nhà trường công bố nhưng đủ điểm sàn. Trong khi mức điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 nhà trường đã công bố trước đó của các ngành hầu hết đều trên điểm sàn. Những thí sinh “bất ngờ” trúng tuyển này đều phải nhập học tại các cơ sở đào tạo của trường này ở các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thái Bình... Vì thế, nhiều thí sinh không chấp nhận đã đề nghị trường cấp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển bổ sung vào trường khác. Thí sinh Trần Vũ Yến Nhi (Kon Tum) cho biết: “Tôi dự thi vào ngành quản trị kinh doanh của trường đạt 15 điểm (khối D1), không đậu vì điểm chuẩn ngành này là 15,5 điểm. Nhưng trường gửi giấy báo trúng tuyển cho tôi vào cơ sở Quảng Ngãi, trong khi tôi không muốn học ở đó. Tôi nhiều lần đến trường để lấy giấy chứng nhận kết quả thi nhưng nhân viên bảo phải có giấy xác nhận chưa nhận giấy này của nơi nộp hồ sơ...”. Trong khi đó, hàng trăm thí sinh nhiều tỉnh thành cũng rơi vào tình huống tương tự đã rất bức xúc và không biết làm cách nào để nhận được giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào trường khác. Đó là chưa kể hàng ngàn thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn vẫn được trường mời nhập học bậc CĐ nghề, trong khi họ không hề có nguyện vọng. Cùng lúc đó, nhà trường đã thông báo xét tuyển nguyện vọng 2 với 690 chỉ tiêu bậc ĐH và 390 chỉ tiêu bậc CĐ. Theo nhà trường, cách làm này tạo thêm cơ hội cho thí sinh dự thi và mong muốn học tại trường. “Đây là một hình thức xét tuyển nguyện vọng 2 do nhà trường chủ động thực hiện. Nếu thí sinh không đồng ý nhập học, trường vẫn cấp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển ngành khác hoặc vào trường khác. Có thể các trường THPT chỉ gửi giấy báo nhập học mà không gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh” - PGS.TS Nguyễn Đức Minh, trưởng phòng đào tạo nhà trường, giải thích. Nộp phiếu điểm là... nhập họcGhi nhận từ các cơ sở trường này, chúng tôi nhận thấy ngày 25-8, website cơ sở tại Thái Bình của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đăng thông báo “Xét tuyển bằng điểm sàn đến khi đủ chỉ tiêu”. Theo đó, các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, công nghệ kỹ thuật điện, kế toán - kiểm toán đều xét tuyển bằng điểm sàn. Tương tự, các cơ sở Quảng Ngãi, Nghệ An cũng lần lượt thông báo điều kiện xét tuyển hết sức đơn giản: thí sinh đạt điểm từ điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Cơ sở Thanh Hóa còn liên tục giới thiệu những thông tin xét tuyển tại cơ sở này trên các báo, đài địa phương. Lạ hơn, toàn bộ thông báo tuyển sinh này đều do các trưởng cơ sở đào tạo ký. Đặc biệt, trong thông báo tuyển sinh của cơ sở Thái Bình còn in đậm: “Thí sinh nộp phiếu điểm để xét nguyện vọng sẽ được nhận ngay giấy báo trúng tuyển để làm thủ tục nhập học”. Theo chân một thí sinh đạt 13 điểm (khối A) nhưng trượt nguyện vọng 1 xin đăng ký xét tuyển, lập tức chúng tôi được người trực bộ phận tuyển sinh trả lời chắc nịch cứ nộp phiếu báo điểm sẽ được nhập học ngay: “Điểm xét tuyển thấp hơn thông báo chính thức của ĐH Công nghiệp TP.HCM vì đào tạo tại cơ sở địa phương”. Không phép vẫn đào tạoLãnh đạo phòng thi tuyển sinh và quản lý văn bằng (Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) cho hay năm nay bộ cho phép các trường được tự chủ về phương án xét tuyển nên có thể đưa ra điểm xét tuyển đợt sau thấp hơn đợt trước. Tuy nhiên, việc thay đổi điểm xét tuyển chỉ được thực hiện khi trường đã kết thúc đợt xét tuyển thứ nhất mà vẫn thiếu chỉ tiêu. Việc tự tiện thay đổi điểm xét tuyển theo các văn bản tuyển sinh của các cơ sở thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là vi phạm quy chế tuyển sinh hiện hành. Ông Huỳnh Văn Thái - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Quảng Ngãi - cho biết cách đây hai năm sở đã báo cáo Bộ GD-ĐT đề nghị kiểm tra chức năng đào tạo ngành học, cấp học ở cơ sở Quảng Ngãi của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM khi số lượng học viên theo học các chương trình ở cơ sở này rất lớn mà chức năng đào tạo cấp học, bậc học chưa thật rõ ràng. Theo một cán bộ chuyên làm công tác tuyển sinh tại Bộ GD-ĐT, các cơ sở của ĐH Công nghiệp TP.HCM hoàn toàn không có chức năng tuyển sinh ĐH. “Năm trước, bộ từng chấn chỉnh việc các cơ sở của trường không được phép đào tạo trình độ ĐH chính quy, trường đã gửi công văn cam kết rõ các cơ sở chỉ là nơi đào tạo nghề, không có chức năng đào tạo, tuyển sinh trình độ ĐH” - vị cán bộ này cho biết. Sáng 28-8, trao đổi với PV, PGS.TS Lê Văn Tán - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - thừa nhận tất cả cơ sở đào tạo và liên kết đào tạo của nhà trường ở Biên Hòa (Đồng Nai), Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình đều chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép tổ chức đào tạo bậc ĐH chính quy. “Cách đây một tuần nhà trường đã báo cáo Bộ GD-ĐT về việc này. Đây là vấn đề tồn đọng của nhiệm kỳ ban giám hiệu trước đây làm không đúng. Hiện nhà trường đang làm các thủ tục pháp lý để hình thành các phân hiệu tại những cơ sở đào tạo của trường ở các tỉnh” - ông Tán nói. Lý giải về việc tuyển “chui” bậc ĐH, ông Nguyễn Đức Minh cho biết: “Ở các cơ sở nếu không có lớp ĐH thì không tuyển được các lớp CĐ, vì người học muốn học liên thông lên ĐH. Vì vậy chúng tôi phải duy trì vài lớp ĐH ở mỗi cơ sở”. Cũng theo ông Minh, ban giám hiệu nhiệm kỳ trước đã phân bổ trước chỉ tiêu đào tạo ở tất cả cơ sở đào tạo, mỗi cơ sở đào tạo 4-5 ngành bậc ĐH với khoảng 200 sinh viên/cơ sở. Tuyển “chui” liên thông, sinh viên hết lối Trong khi đó, nhiều sinh viên bậc CĐ nghề khóa 2009 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hết sức bức xúc vì lúc nhập học trường hứa khi tốt nghiệp sẽ được liên thông lên ĐH nhưng năm nay khi tuyển sinh liên thông lại không tuyển sinh viên CĐ nghề. Không chỉ khóa 2009, khóa 2010 trường cũng hứa chắc chắn khi tốt nghiệp sẽ được liên thông lên ĐH ngay tại trường. Ông Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - lý giải không phải trường phân biệt, bít đường học lên của sinh viên nhưng do trường chưa được phép tuyển sinh liên thông từ CĐ nghề lên ĐH nên năm nay trường không tuyển. Hiện trường đã trình đề án xin phép Bộ GD-ĐT để được phép tuyển sinh liên thông ĐH đối với sinh viên CĐ nghề. Thực tế đến tháng 8-2012, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn chưa được phép tuyển sinh liên thông từ CĐ nghề lên ĐH. Thế nhưng, ông Minh cho biết trường bắt đầu tuyển sinh bậc CĐ nghề từ năm 2007, năm 2010 khóa đầu tiên tốt nghiệp. Lúc này vẫn chưa có dự thảo thông tư liên tịch về việc liên thông từ hệ nghề sang chính quy nên tháng 8-2010 trường đã tuyển sinh liên thông ĐH cả đối tượng tốt nghiệp CĐ nghề. Tháng 10-2010, thông tư liên tịch được ban hành, trong đó quy định rõ việc đào tạo liên thông này phải được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Điều đáng nói là năm 2011 sau khi dự thảo ban hành, trường vẫn tiếp tục tuyển sinh liên thông từ CĐ nghề lên ĐH. MINH GIẢNG |
Theo TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ (TT)