Hàng triệu người thương tiếc cố Thủ tướng Phan Văn Khải

8 giờ ngày 20-3 mới bắt đầu lễ viếng nhưng từ sáng sớm, dòng người đến viếng cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) đã rất đông.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, từng đoàn đại biểu, người dân lần lượt đăng ký, xếp hàng chờ tới lượt vào viếng. Tất cả đều chung một tấm lòng hướng về người lãnh đạo gần gũi, giản dị với những tình cảm kính trọng, tiếc thương.

Thương tiếc vị thủ tướng biết nghe mong mỏi của dân

Hòa chung dòng người đến đứng để chờ viếng linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Nguyễn Văn Đô, một cán bộ hưu trí ngụ quận Tân Bình, nói: “Ông là kiến trúc sư vẽ đường cho sự đổi mới. Nhắc đến ông tôi nhớ đến một con người gắn bó với sự nghiệp đổi mới đất nước”.

“Một con người hiền hậu, nụ cười nhìn hiền từ, lại gần dân, nhiệt tình”, đó là hình ảnh của vị cố Thủ tướng trong ký ức của ông Đô.

Ông Đô đã nghỉ hưu, có 29 năm làm đại biểu HĐND, từng tham gia nhiều cuộc tiếp xúc cử tri có sự tham gia của cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong những lần đó, cái bắt tay của ông Khải khi nghe ông góp ý về vấn đề lương hưu khiến ông nhớ mãi. Ông cũng kể thời còn là một thầy giáo, mỗi tháng được cấp 12 kg gạo nhưng trộn lẫn trong đó là bo bo, khoai, sắn, củ mì... “Hồi đó giáo viên chúng tôi toàn ăn củ mì, củ lang, bo bo thôi à, may sao có ông Khải ổng tìm cách để mua gạo về cho giáo viên chúng tôi chứ không cũng đói hết cả ra” - ông Đô kể.

Cũng theo ông Đô, thời còn là chủ tịch UBND TP.HCM, ông Khải luôn có chính sách chăm lo cho thầy cô giáo, luôn hỗ trợ và lắng nghe những mong mỏi của người làm nghề và có những chính sách giáo dục thích hợp. “Một cách rất tự nhiên, trong tôi luôn có sự kính trọng ông” - ông Đô tâm sự.

Đông đảo các cơ quan, đơn vị, người dân đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Ảnh: TTXVN

“Tôi xem ông như cha, như chú...”

Chị Lê Thị Lan Thanh, 48 tuổi, nhà gần ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), đến Hội trường Thống Nhất từ sáng sớm. Chị Thanh nói dù chưa được gặp cố Thủ tướng Phan Văn Khải ở ngoài đời nhưng qua thông tin trên báo chí, chị thấy quý ông như người cha, người chú, máu mủ ruột rà của mình.

“Nhìn nụ cười ông hiền lành sao đó mà thấy thương thương. Với lại, tui cũng có biết ông làm được nhiều điều cho người dân nghèo tụi tui nên tui quý” - chị Thanh nói.

Chị Thanh nói thêm: “Tính ra thì tuổi của ông cũng ngang tuổi cha, tuổi chú tui rồi. Người gần mình mà mất thì mình đi viếng mới phải đạo. Còn đây lại là lãnh đạo đất nước mình, là người làm nhiều việc cho người dân thì mình càng phải quý, phải trọng. Đến để tiễn đưa ông cũng mãn nguyện rồi”.

Nhà ở quận 4, dù phải buôn bán nhưng chị Ngọc Ánh vẫn tranh thủ đến để một lần được nhìn linh cữu của cố Thủ tướng. “Chồng tui chở tui đi mà ảnh đứng giữ xe bên kia. Tui chạy vô đây mà không biết khi nào mới được vào viếng...” - chị Ánh nói với nhiều người đứng gần đó.

Cũng như chị Thanh, chị Ánh chưa một lần gặp cố Thủ tướng ngoài đời. “Không cần phải gặp mới thương, mới quý. Tui thấy ổng cười, ổng nói rồi những việc ổng làm cho người nghèo, công nhân, vậy nên tui quý. Người toàn tâm toàn ý cho người nghèo, người khó như ổng hiếm lắm. Tôi xem ông như cha, như chú, ông mất thì tôi đi viếng là lẽ đương nhiên” - chị Ánh nói tiếp.

Vì không biết được đến khi nào mới được vào viếng, chị Ánh đã đứng ngoài hàng rào, chắp tay cung kính. Còn chị Thanh thì nói: “Được vào thắp cho ông một nén nhang thì tốt, còn không cũng không sao đâu. Mình cứ đứng bên ngoài mà lòng mình có hướng về ông, mong ông an nghỉ là được rồi. Như thế là đã thấy nhẹ nhõm”.

Cất kỹ bài diễn văn của cố Thủ tướng

Dòng người đến viếng cố Thủ tướng không chỉ là những người lớn tuổi mà còn là những thanh niên trẻ, anh bán vé số, những người vô tình đi ngang qua cũng nán lại đôi phút để chào.

Lẫn trong đám đông qua lại, đôi chân có tật nhưng anh Nguyễn Văn Trường (38 tuổi) vẫn chịu khó di chuyển để tìm được góc nhìn rõ vào bên trong, nơi linh cữu của cố Thủ tướng đang nằm. “Tôi biết hôm nay là quốc tang của ông. Tôi đến để chào ông. Tôi biết ông giúp nhiều cho dân nghèo…” - anh Trường vừa nói vừa thở vì phải vừa di chuyển một đoạn đường dài.

Nói rồi, anh lại lê đôi chân khó nhọc di chuyển đến một góc đường khác, đứng nhìn vào bên trong...

Cũng đứng chờ như bao người khác, Nguyễn Ái Tường Vân, 22 tuổi, cựu sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, nói rằng muốn đến lễ tang của cố Thủ tướng.

“Có lẽ do mình từng là sinh viên của ngôi trường có nhiều thế hệ chính trị gia theo học, đó là niềm tự hào. Nhưng thật sự thì mình biết là mình quý và kính trọng cố Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều lắm...” - Tường Vân nói.

“Mình có đọc, có xem rất nhiều tài liệu về bác Khải. Đã từ lâu bác chỉ ra vấn đề tham nhũng, những mặt khó khăn của đất nước để tiến hành cải cách. Mà con người bác thì lại dung dị và gần gũi lắm, sống vì dân là chính. Đọc về bác, tìm hiểu về bác, mình nghĩ về thế hệ thanh niên như chúng mình... Ở bác có quá nhiều đức tính tốt mà người trẻ như mình cần phải lấy đó làm gương” - Tường Vân nói.

Tường Vân cho hay rất ấn tượng với bài diễn văn của ông trước khi từ nhiệm. “Mình vẫn lưu giữ bài diễn văn đó cho đến bây giờ và chắc chắn là cho đến sau này nữa” - Vân nói với sự kính trọng.

Những người đến viếng ông, họ đều cho hay là rất ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn bác Khải, người lãnh đạo mẫu mực, có nhiều công lao trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Những người dân bình thường cũng biết rất rõ ông là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam sang thăm Mỹ, mở ra sự phát triển kinh tế và hội nhập thế giới. Họ thương tiếc một con người cả đời sống trong sạch, thanh bạch, bình dân, giản dị…, luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa…

Nhiều người đã khóc khi đến viếng một người con ưu tú của đất Việt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm