Hành động vì môi trường nông thôn bền vững

Bộ TN&MT đã có văn bản thông báo về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn2015. Năm nay tại Việt Nam, chiến dịch có chủ đề Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững.

Các hoạt động bảo vệ môi trường suốt tháng 9

Bộ TN&MT kêu gọi các địa phương tổ chức lễ mít-tinh hoặc các hoạt động thiết thực khác phù hợp như ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, nạo vét kênh mương, ao hồ… Các hoạt động sẽ diễn ra suốt tháng 9, đỉnh điểm là tuần lễ từ ngày 14 đến 20-9.

Tại TP.HCM, chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn là một phần rất quan trọng của TP trong việc bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện qua từng hành động, chương trình, chiến lược được tổ chức liên tục hằng năm mà các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Sở TN&MT TP.HCM đóng vai trò rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết để góp phần thành công trong công tác bảo vệ môi trường, chúng ta không chỉ cần những người quản lý giỏi mà còn rất cần đến sự đồng thuận và chấp hành của mọi công dân. “Hãy chăm sóc và giữ gìn ngôi nhà chung mà chúng ta đang ở bằng những hành động tốt, thân thiện với môi trường. Đó cũng chính là những hành động góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả chúng ta” - ông Phước chia sẻ.

Nhân viên Công ty Thoát nước đô thị thu gom rác, khơi thông dòng chảy kênh Sáu Sửu tại chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức năm 2014. Ảnh: NGỌC CHÂU

Tận dụng chai, lọ rỗng

Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Tuy nhiên, cùng với những chính sách đầu tư phát triển của Nhà nước, ngành nông nghiệp, người nông dân ta từng bước cải thiện về nhiều mặt. Câu chuyện về sáng kiến của nông dân Việt Nam trong việc tiết kiệm nước trồng cà phê từng được mạng thông tin toàn cầu của Tập đoàn Nestlé có trụ sở ở Vevey, Thụy Sĩ đăng tải thông tin.

Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nước ta có tới 2,6 triệu người phụ thuộc đời sống kinh tế vào cây cà phê. Khu vực trồng cà phê tập trung tại Tây Nguyên. Tại đây 96% lượng nước sử dụng cho canh tác nông nghiệp.

Thống kê cho thấy trung bình nông dân sử dụng hơn 60% lượng nước cần thiết trong mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4. Tình trạng thay đổi khí hậu, sử dụng lãng phí nguồn nước trong nông nghiệp là mối đe dọa đối với người nông dân, hộ gia đình và ngành công nghiệp cà phê. Ngoài ra họ phải đối mặt với các chi phí về tài chính, nhân công, nhiên liệu chạy máy bơm và lãng phí thời gian tưới nước cho cây.

Ông Phạm Phú Ngọc, trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp của một công ty thực phẩm, cho biết: “Cà phê ở Việt Nam được trồng trong những trang trại nhỏ có diện tích khoảng 2-3 ha, do đó những kỹ thuật quản lý quy mô lớn thường khó thực hiện, tuy nhiên những công cụ sáng tạo từ sáng kiến của người nông dân thực sự hữu ích”.

Theo đó, ông đã phổ biến phương pháp này tới gần 20.000 nông dân trong mạng lưới Kết nối nông dân tại Việt Nam. Bằng cách đặt một chai nhựa úp xuống đất, quan sát mức độ nước tụ lại trong chai, nông dân đã có một công cụ đo độ ẩm của đất. Khi những giọt nước trở nên khan hiếm, họ biết rằng đã đến lần tưới đầu tiên. Chưa dừng lại ở đó, sử dụng một vỏ lon sữa bò, nông dân có thể đo lượng nước mưa mà cây cà phê hấp thụ được. Ví dụ, một vỏ lon sữa bò chứa một phần sáu lượng nước mưa trong đó, anh ta biết cây cà phê gần đó đã tiếp nhận khoảng 100 lít nước.

Ông Ngọc giải thích thêm: Điều này hiệu quả hơn việc sử dụng những công cụ khoa học phức tạp khiến người nông dân khó nắm bắt. Mỗi lần tưới, nông dân trồng cà phê thường sử dụng từ 700 đến 1.000 lít nước/cây nhưng bây giờ chỉ cần từ 300 đến 400 lít nước. Vụ mùa cà phê thu hoạch vẫn cho kết quả tương tự, vì vậy trong nhiều trường hợp, hiệu quả tiết kiệm nước đạt hơn 50%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm