Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam

(PLO)- Chiến tranh ác liệt, cha mẹ đều tham gia cách mạng và hy sinh, năm chị em ông Hứa Bốn (sinh năm 1961, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) rơi vào cảnh ly tán, mỗi đứa mỗi nơi. Sau năm 1975, bốn đứa trẻ lần lượt tìm về quê hương đoàn tụ, chỉ có người em kế út vẫn bặt vô âm tín. 
 
 Video: Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam

Gần 50 năm qua, ông Bốn miệt mài đi tìm em gái thất lạc với niềm tin: “Em nhất định vẫn còn sống”. Trong khi ở một nơi nọ, có một người phụ nữ cũng đang cố gắng chắp vá những mẩu ký ức còn sót lại để tìm về cội nguồn. Giây phút đoàn tụ của năm chị em sau gần nửa thế kỷ tựa như câu chuyện cổ tích giữa đời thực. Cái kết của nó vừa trở nên trọn vẹn khi họ được pháp luật công nhận là con ruột của hai liệt sỹ.  

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 1
Sống với gia đình chồng ở xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, nhưng trong lòng bà Phùng Thị Năm (tên khác là Phùng Thị Thủy, sinh năm 1963) luôn tồn tại một khoảng trống vì bao năm chưa tìm được nguồn cội.

Nhiều lần hai vợ chồng dựa vào những thông tin ít ỏi để dò hỏi khắp nơi nhưng bất thành vì thời điểm thất lạc, bà còn quá nhỏ. Thời điểm cha mẹ hy sinh, bà mới sáu tuổi nên được một người dì bên ngoại đón về cưu mang. Do điều kiện khó khăn, người này sau đó gửi cháu gái cho bà sơ ở Hòa Khánh (Đà Nẵng). Chiến tranh loạn lạc, bà Năm bị đẩy lên một chuyến tàu và lưu lạc ra Huế. Bà lang thang xin ăn, làm mướn đủ việc để sống rồi tìm cách nhảy tàu về theo hướng ngược lại. May mắn, bà được một gia đình ở Điện Bàn nhận nuôi rồi gả ngược về huyện Đại Lộc. 

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 2
Điều kỳ diệu đã đến vào một sáng tháng Tư năm 2017. Bà đang ngồi trước nhà thì thấy một người đàn ông lạ hoắc chăm chăm nhìn mình. Lát sau, người này lân la bắt chuyện, hỏi cha mẹ bà là ai, sinh ra ở đâu và nói rằng rất có thể bà là cô em gái thất lạc của họ. Do trước đó từng có nhiều người đến nhận bà là người thân, càng hy vọng lại càng thất vọng nên riết bà trở nên cảnh giác. 

“Tôi bất ngờ nhưng không tin ngay. Tôi bảo, tôi không cha không mẹ nhưng ông có bằng chứng chi không mà đòi nhận tôi. Ông ấy nghe vậy thì cười. Dù lần đầu gặp nhưng kỳ lạ là tôi thấy ánh mắt người đó rất quen thuộc”- bà Năm cho hay

Họ nói chuyện với nhau rất lâu, càng nghe, trong bà càng nhen lên hy vọng tìm được gia đình vì những chi tiết trùng hợp lạ lùng. Ba tháng sau, bà Năm đồng ý theo người đàn ông này đến một đám giỗ. Khi cách nhà khoảng 100m, ông dừng lại và bảo: “Anh chỉ đi cùng đến đây thôi, giờ em hãy tự vào trong để coi có ai nhận ra em không. Anh sẽ vào sau! Đừng lo lắng chi hết, dù kết quả ra sao thì em vẫn là em gái của anh”. 

Bà hít một hơi thật sâu, bước chầm chậm về phía ngôi nhà được chỉ với ngổn ngang suy tư. Vừa nhìn thấy bà Năm, cụ bà hơn 80 tuổi sững lại giây lát rồi chạy đến ôm chầm lấy bà. “Bé Năm, đúng là bé Năm về đây rồi! Con ở mô ngần ấy năm không về? Cuối cùng cũng chờ được con về, giờ dì có đi theo cha mẹ con thì cũng an lòng được rồi”- cụ khóc. 

Người cậu ruột và những anh, chị em khác thấy vậy vội chạy ra đón bà Năm vào nhà. Giây phút đoàn tụ mừng mừng tủi tủi, càng trò chuyện, niềm tin trong họ càng vững chắc khi trên đầu bà có một vết sẹo y như lời người dì mô tả.

Đón lấy nén nhang từ tay người thân, bà Năm lần đầu đứng trước bàn thờ tổ tiên sau gần nửa thế kỷ lưu lạc. Người phụ nữ ấy xúc động không nói thành lời, những giọt nước mắt tủi hờn lăn dài trên gương mặt khắc khổ, dạn dày sương gió.

Chia sẻ với PV khoảnh khắc ấy, bà Năm xúc động bảo trước khi đến đám giỗ bà đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, nhưng cả đêm cứ thao thức không tài nào ngủ được, nóng ruột, chỉ mong cho trời mau sáng để đi gặp mọi người.

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 3
Trái đất tròn, nhà tôi và anh Bốn chỉ cách nhau một cách đồng. Hai anh em làm ruộng gần nhau bao năm qua mà đến giờ mới nhận ra nhau”- bà Năm tâm sự. 
Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 4
Đội chiếc mũ vải cũ và đi đôi ủng còn lấm lem bùn đất, ông Hứa Bốn mỉm cười khi nhắc về chặng đường đi tìm em gái ruột. Tự nhận là người mù chữ, nông dân cục mịch nhưng cách nói chuyện của ông nhẹ nhàng, điềm tĩnh và luôn giữ tâm thế bình thản trước mọi việc. 

Kể về cơ duyên gặp bà Năm, ông bảo đó là sự sắp đặt kỳ diệu của số phận. “Bao năm tìm miết không ra, sáng hôm nớ, tôi sang xã bên uống cà phê thì nhìn thấy một người quen quen, có nhiều nét giống em gái mình nên dừng xe. Tôi nhìn Năm rất lâu, linh tính thúc giục tôi phải làm một điều gì đó. May sao, tôi quen chồng của Năm. Sau khi dò hỏi, tôi chắc chắn đến 80% cảm giác của mình là đúng. Cũng nhờ diễm phúc của cha mẹ, năm chị em tôi đều được người ta cưu mang, sống sót và đoàn tụ sau ngần ấy năm”- ông bùi ngùi. 

·  Có phải vì lo lắng mà ông không đi cùng em gái vào đám giỗ mà hai tiếng sau mới vào?

Nghe tôi hỏi, ông Bốn bật cười: “Tôi đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, ở tuổi này có thể bình thản để đón nhận mọi thứ. Lúc đó tôi đã nghĩ đến chuyện xét nghiệm ADN. Nhưng không biết mọi người có hiểu cảm giác này không, giữa những người ruột thịt luôn có một sợi dây liên kết vô hình. Có khi chỉ cần một ánh mắt, nụ cười thôi cũng có thể nhận ra nhau.

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 5
Hai tiếng sau, tôi thực sự hạnh phúc khi chứng kiến cảnh mọi người quây quần hỏi han, tâm sự. Dì tôi đã khóc rất nhiều! Cha mẹ tôi linh thiêng, nếu nhìn thấy giây phút ấy chắc chắn sẽ rất vui”. 

Sau khi chị em đoàn tụ, ông Bốn tìm gặp cha mẹ nuôi của bà Năm gửi lời cảm ơn vì đã cưu mang em gái mình. Ông cũng động viên và giúp đỡ một phần để em có điều kiện dựng lại căn nhà mới khang trang hơn. Ở tuổi xế chiều nhưng cuộc sống của họ còn lắm nỗi khó khăn. Hiện bà Năm làm thuê ở Đà Nẵng để có tiền cho con ăn học bằng chúng bằng bạn. Mỗi lần về quê, bà đều tranh thủ ghé nhà anh chị ăn cơm, chuyện trò để bù đắp cho những ngày tháng xa cách. 

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 6
Theo lời kể của ông Bốn, cha ông là liệt sỹ Trần Khế (sinh năm 1930, cán bộ Công an xã Đại Chánh), mẹ là liệt sỹ Lê Thị Lục (sinh năm 1934, cán bộ phụ nữ thôn). Cuối những năm 60, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, địch đi càn liên tục, mảnh bom mảnh đạn có khi dày hơn lá cây rơi. Những người bám trụ ở lại quê hương đều có người thân tham gia cách mạng. Tháng 8-1968, mẹ ông bị địch bắn chết trong một đợt càn của địch. Không lâu sau, chúng ném bom trúng căn hầm bí mật, cha ông hy sinh cùng với nhiều đồng đội khác, để lại năm đứa con nheo nhóc. 

Lúc này, người chị cả là Trần Thị Hai mới khoảng 10 tuổi, cậu em trai út vẫn còn bú sữa mẹ. Năm đứa trẻ được họ hàng bên ngoại cưu mang nhưng chiến tranh, loạn lạc khiến họ lạc mất nhau. Có một điều đáng chú ý là khi năm chị em ông Bốn đoàn tụ thì mang ba họ khác nhau do người nhận nuôi đặt. 

Ngoài bà Năm, bà Phạm Thị Ba (Trần Thị Ba) được một người lính Việt Nam Cộng hòa đưa về Quảng Ngãi nuôi, bà Hai và em trai út cùng được một gia đình cưu mang. Riêng ông Hứa Bốn nhận sự che chở của cụ Hứa On ở xã Đại Tân. Sau năm 1975, tham gia cách mạng trở về, một người chú của ông Bốn tìm gặp cụ On và đề nghị đón cháu trai về để có điều kiện ăn học, theo con đường của cha mẹ. Nhưng ông Bốn đã xin chú được ở lại để chăm sóc cho cha nuôi lúc tuổi già, làm tròn hai chữ hiếu, nghĩa. 

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 7
Sau này, trước khi qua đời, cụ Hứa On dặn con trai đổi sang họ Trần để về nguồn cội nhưng ông Bốn không làm vậy vì trách nhiệm với họ Hứa. Hiện ông vừa làm tròn bổn phận thờ cúng tổ tiên họ Hứa ở xã Đại Tân, vừa nặng chữ hiếu với họ Trần ở xã Đại Chánh. Ông cũng đặt tên cho các con của mình bắt đầu bằng Hứa Trần để không quên nguồn gốc. 

Trải qua bao bể dâu, năm chị em ông Bốn cuối cùng cũng đợi được ngày đoàn tụ đủ đầy. Hiện điều kiện kinh tế của họ vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó bà Trần Thị Hai có hai người con bị tai biến. Bà Hai đã được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình nghĩa theo Nghị định 22 của Chính phủ và chế độ hương khói cho liệt sỹ. Hai trong số bốn người gần đây mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Riêng ông Bốn và bà Năm chưa nhận được chế độ gì do mang dòng họ khác. 

“Tôi luôn biết ơn cha mẹ nuôi đã cưu mang bao năm, cho tôi một cái tên và gả tôi cho một gia đình tử tế. Ở tuổi xế chiều, tôi mong ước được đổi về họ Trần và có một nơi để hương khói cho cha mẹ là liệt sỹ. Do cuộc sống của năm chị em đều khó khăn nên anh Bốn vẫn thờ cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi chung một bàn thờ trên đất họ Hứa. Điều này khiến chúng tôi khổ tâm”- bà Năm tâm sự. 

Hành trình gần 50 năm đi tìm em gái sau chiến tranh ở Quảng Nam ảnh 8

Mong được cấp mảnh đất nhỏ để thờ cúng cha mẹ

Mới đây, câu chuyện về năm chị em ông Bốn đã có cái kết có hậu khi ngày 4-1, TAND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã chấp nhận yêu cầu truy nhận cha mẹ ruột của ông Bốn và bà Năm, công nhận ông bà là con của hai liệt sỹ Trần Khế và Lê Thị Lục về pháp luật. Chia sẻ với PV qua điện thoại, giọng bà Năm phấn khởi: “Niềm vui trọn vẹn rồi con ơi, cô chú vui lắm! Mấy chị em sẽ về thắp hương thông báo cho cha mẹ và cùng nhau ăn một bữa cơm để chung vui”. 

Giữ thái độ bình thản hơn, ông Bốn cười: “Tôi vui đến không ngủ được. Ước nguyện bao năm cuối cùng đã thành, thực sự rất mừng, rất hạnh phúc khi chúng tôi được công nhận là con ruột của cha mẹ. Bảy ngày nữa tôi sẽ đến tòa lấy quyết định chính thức. Hiện tại tôi vẫn đang thờ cha mẹ nuôi lẫn cha mẹ ruột cùng một bàn thờ. Hy vọng chính quyền tạo điều kiện cấp cho gia đình một mảnh đất nhỏ để có thể làm nơi chôn cất, thờ phụng cha mẹ ruột, chứ từ xưa đến giờ tôi vẫn thờ chung như vậy”. 

Trao đổi với PV, một thẩm phán TAND huyện Đại Lộc cho hay, yêu cầu của anh em ông Bốn là hoàn toàn chính đáng, khi thụ lý đơn, phía tòa cũng tạo điều kiện tối đa theo quy định của pháp luật. Theo vị này, hoàn cảnh của họ hết sức khó khăn, lớn lên trong thời điểm chiến tranh, loạn lạc, hai người đều không biết chữ, chỉ có thể điểm chỉ. Sau khi xác minh, thẩm định hồ sơ, lời khai của những người có liên quan, xác nhận của chính quyền, xác nhận của dòng họ bên nhận nuôi và dòng họ hai liệt sỹ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tòa đã chấp nhận yêu cầu truy nhận cha mẹ ruột của ông Bốn và bà Năm.  

Đọc thêm