Theo trang tin Mental Floss, cái tên Peary được nhắc tới trong dòng chú thích trên là Robert Peary, một trong những nhà thám hiểm nổi tiếng nhất trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Robert Peary đã tuyên bố là người đầu tiên đặt chân lên Bắc Cực. Nói tấm bản đồ về đảo Crocker ẩn chứa câu chuyện đặc biệt bởi hòn đảo là một ảo ảnh chứ không phải “được phát hiện bởi Peary”. Điều này đã được các cuộc thám hiểm sau này chứng minh.
Tấm bản đồ về hòn đảo mang tên “Crocker” với chú thích “Phát hiện bởi Peary năm 1906” được lưu trong kho lưu trữ của Hiệp hội Địa lý Mỹ. Ảnh: Mental Floss
Mong muốn là người đầu tiên chinh phục Bắc Cực, ngay sau khi giải ngũ vào hè 1905, ông lập tức rời New York lên con tàu nạo phá băng tân tiến Roosevelt hướng thẳng tới Đại Tây Dương. Tuy nhiên do gió bão quá mạnh và lương thực không đủ, ông đành phải quay về khi mới đi được 175 hải lý.
Không nản chí, ông bắt tay lên kế hoạch cho một cuộc thám hiểm khác. Vì thiếu tiền, ông bắt đầu xin tài trợ và nhận được số tiền 50.000 USD, con số khổng lồ thời bấy giờ từ thương gia George Crocker ở San Francisco. Đổi lại, Peary phải tìm một vùng đất mới và lấy Crocker để đặt tên.
Năm 1907, sau chuyến đi dài kết thúc năm 1906, Peary viết trong tự truyện có tựa “Nearest the Pole” rằng ông đã tìm thấy “các ngọn núi trắng mờ mờ” của một vùng đất chưa từng được phát hiện trước đó, nằm cách Mũi Thomas Hubbard, ngoài khơi phía bắc Canada 120 dặm về phía tây bắc. Ông đã lấy tên Crocker đặt tên cho vùng đất này đúng như thỏa thuận.
Cũng trong năm 1906, Peary thành công khi tới được Bắc Cực và được tôn vinh khắp nơi. Ăn mừng chiến thắng không lâu thì Frederick Cook, một người bạn từng tham gia thám hiểm cùng Peary từ năm 1891 phản bác, cho rằng anh ta đã đặt chân lên Bắc Cực trước Peary một năm.
Vào lúc đó, cuộc tranh cãi giành công trạng về phía mình liên quan tới đảo Crocker giữa hai người đàn ông nổ ra vô cùng ầm ĩ.
Cook tuyên bố rằng trên đường tới Bắc Cực và đi qua khu vực có đảo Crocker nhưng hòn đảo không hề tồn tại. Kể từ đó, công chúng quay sang nghi ngờ những tuyên bố của Peary.
Để bảo vệ Peary, cộng sự của ông trong chuyến thám hiểm năm 1909 là Donald MacMillan thông báo sẽ lên đường tìm sự thật. Năm 1913, sau khi được sự ủng hộ của Viện bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ, ĐH Illinois và Hiệp hội Địa lý Mỹ, nhà thám hiểm MacMillian bắt đầu chuyến đi tìm sự thật. Chuyến đi khởi hành từ Căn cứ hải quân Brooklyn vào tháng 7-1913. Ông MacMillan cùng các cộng sự mang theo nhiều thiết bị tối tân, bao gồm cả máy phát radio trực tiếp để truyền về phía Mỹ từ hòn đảo. Nhưng ngay lập tức, con tàu Diana của MacMillan bị đắm và nhà thám hiểm đã đổi phương tiện là con tàu Erik để tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều vô vọng vì không hệ thấy hòn đảo như Peary mô tả.
Nhà thám hiểm Robert Peary trên con tàu Roosevelt. Ảnh: Mental Floss
Khi sắp nản chí, một thủy thủ Hải quân Mỹ báo rằng anh ta nhìn thấy một ngọn núi trắng phía chân trời kèm theo tọa độ, nhưng sau năm ngày rà soát, MacMillian vẫn không thấy gì.
Anh nghi ngờ thủy thủ này đã gặp phải hiện tượng "fata morgana" gây ảo ảnh thị giác rằng có núi non phía chân trời, còn hòn đảo đã bị che khuất bởi mây và các hiện tượng thời tiết. MacMillian không muốn tin rằng Peary nói dối hay bị ảo giác.
Hành trình về Mỹ của đoàn MacMillian không hề thuận lợi. Bị thời tiết khắc nghiệt tra tấn, những con chó họ đem theo chết dần. Họ kẹt lại trong khu vực băng tuyết ba năm, cố gắng cầm cự cho tới khi được cứu trợ vào năm 1917. Trong thời gian này, họ thu thập thêm hình ảnh và dữ liệu khoa học, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng hòn đảo.
Họ trở về đem theo 5.000 bức ảnh, hàng ngàn mẫu vật và một cuộc phim về Bắc Cực mà ngày nay được lưu trong kho lưu trữ của Hiệp hội Địa lý Mỹ tại ĐH Wisconsin Milwaukee.
Không rõ liệu khi về nhà MacMillian có chất vấn Peary về sự tồn tại của đảo Crocker cũng như động cơ bịa ra chuyện này hay không. Nhưng khi thông tin về chuyến đi của MacMillan không tìm thấy hòn đảo Crocker lan truyền nước Mỹ, Peary đã bào chữa rằng gần Bắc Cực thì tầm nhìn khá hẹp và việc quan sát vô cùng khó khăn khi bốn bề trắng xóa. Ghi chép cá nhân thành viên nhóm Peary trong chuyến đi 1905-1906 cũng không nhắc tới mảnh đất này, nhưng họ lại không muốn lên tiếng chính thức.
Còn Crocker không thể biết được liệu cái tên của mình có sống mãi với thời gian khi tên được đặt cho hòn đảo hay không. Ông Crocker qua đời tháng 12-1909 vì ung thư dạ dày. Năm 1938, mọi sự nghi ngờ chấm dứt khi phi công Isaac Schlossbach bay qua địa điểm trên bản đồ, và chỉ thấy một màu nước biển xanh rì trải dài vô tận. Dấu tích còn lại của hòn đảo Crocker giờ chỉ còn trong tấm bản đồ cũ kỹ.