Sài Gòn - TP.HCM có tuổi đời hơn 300 năm, mặc dù không phải là TP được coi là cổ kính nhưng nó giữ trong mình rất nhiều các ký ức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đáng tự hào. Lịch sử đã từng chứng kiến sự tồn tại và biến mất của thành Bát Quái hay còn gọi là thành Quy ở Sài Gòn. Nó còn được ví là “pháo đài châu Âu ở Sài Gòn”.
Thành lũy hiện đại của châu Âu
Năm 1790, sau khi lên ngôi hai năm, Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô, gọi tên là Gia Định kinh. Ngay tiếp sau đó, nhà vua cho xây một pháo đài rất đồ sộ theo kiểu “Vauban hoàn hảo của Pháp”. Pháo đài này rất đồ sộ, hiện đại mà cho tới ngày nay giới nghiên cứu vẫn chưa hết lời thán phục. “Vào thời điểm đó, các thành lũy này ở Việt Nam được thừa nhận là độc đáo tại Á châu, kể cả đối với các thuộc địa của Âu châu. Nếu so sánh, các tùy viên người Pháp trong đoàn viễn chinh Anh-Pháp đánh Trung Hoa hồi năm 1860 nhận định rằng các pháo đài phòng thủ của Trung Hoa hãy còn ở thời Trung cổ” - nhà nghiên cứu Frédéric Mantienne nhận định trên tờ Journal of Southeast Asian Studies.
Trước đó, các triều đình phong kiến Việt Nam thường xây dựng các thành lũy theo hình mẫu của các triều đại phong kiến Trung Quốc có hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn hay hình móng ngựa. Chẳng hạn, thành Cổ Loa xây vào thế kỷ 3 trước Công nguyên có ba vòng thành xoáy trôn ốc; thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly xây năm 1397 tại Thanh Hóa có hình vuông; Hoàng thành Thăng Long trước nhà Nguyễn cũng có hình vuông. Tuy nhiên, trong lần xây dựng này, nhà Nguyễn mời các kiến trúc sư và kỹ sư người Pháp thiết kế một tòa thành thật kiên cố và hiện đại nhất vào lúc bấy giờ. Tòa thành được lấy gần như nguyên mẫu kiểu thành Vauban của Pháp.
Vị trí tòa thành
Các tài liệu lịch sử về tòa thành này cũng như mô tả khá là phức tạp. Để có thể hình dung ra được, tác giả công trình này sẽ lược bỏ bớt những nghi vấn không cần thiết để chủ yếu tập trung làm sáng tỏ về quy hoạch và tổ chức không gian.
Tòa thành tọa lạc trên diện tích chừng 2 km2. Thành trải rộng từ Nam đến Bắc, từ đường Mac-Mahon (bây giờ là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tới bức tường thành đã bị phá (bây giờ là khu vực bên ngoài đường Đinh Tiên Hoàng và Tôn Đức Thắng) và từ Đông sang Tây, từ đường Espagne (bây giờ là đường Lê Thánh Tôn) đến đường Rue des Mois (người dân gọi là đường Mọi, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Cần lưu ý là việc xác định địa giới này không thật hoàn toàn chính xác bởi vào thời điểm đó các con đường trên chưa có, việc áng khoảng này để cho dễ hình dung. Nơi này nằm ở hữu ngạn sông Sài Gòn (bờ bên phải tính từ đầu nguồn sông trở xuống), khi đó là rừng cây thấp lúp xúp có chen cây cao, cỏ lác, không có người ở nhưng lại là khoảng đất cao nhất so với toàn khu vực, cao hơn mặt sông Sài Gòn 2-2,5 m, có chỗ cao hơn 3 m và cao hơn so với mực nước biển là 3-5 m. Khoảng đất này ở gần sông với một khoảng cách khá lý tưởng cho các hoạt động kinh tế và quân sự. Tính từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn tới bờ sông Sài Gòn theo đường chim bay hướng đường Tôn Đức Thắng là 800 m, đến rạch Thị Nghè là 650 m. Từ địa điểm này hoàn toàn có thể quan sát mọi động tĩnh từ bốn phía, nhất là đối phương từ biển vào qua cửa sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè.
Vị trí thành Bát Quái và thành Gia định mới thu nhỏ.
“Kỳ lạ và phi quân sự nhất”
Tòa thành này khi xây dựng ở Sài Gòn có tính đến các yếu tố địa phương. Cũng theo nhà nghiên cứu Frédéric Mantienne: “Cần phải lưu ý rằng các cổng của tất cả thành lũy đều có cơi lầu kiểu Trung Hoa bên trên, là nét không thường có nơi các đồn lũy Vauban tại Pháp. Các vọng tháp trên cao ngự trị trên tòa thành cũng là các đường nét Trung Hoa và không phải là phần trong mẫu thiết kế Vauban”. Trong khi thành Vauban nguyên mẫu chỉ có hai cửa tiền và hậu thì thành Bát Quái có tám cửa mở ra tám hướng theo thuật phong thủy và Kinh Dịch. Cổng ra vào có mái ngói xanh kiểu ngói lưu ly của Trung Quốc. Các chi tiết trang trí ở cổng thành và trong thành theo mỹ thuật dân tộc, chẳng hạn các họa tiết trang trí rồng, phượng cổng thành theo kiểu đăng đối, cân xứng. Số lượng đài quan sát (tháp canh) của thành Quy được làm rất nhiều, tới 10 cái và nhô hẳn ra ngoài trong khi thành Vauban nguyên bản có số lượng tháp quan sát ít hơn, chừng bốn cái. Thành có tám cửa, được bố trí theo phong thủy. Sau khi xây dựng xong, mọi người thấy thành có tám cạnh giống với bát quái đồ trong Kinh Dịch nên gọi thành là “thành Bát Quái”; có một số người thấy thành có hình con rùa nên gọi là thành Quy. Cổng thành và tháp canh là thứ bản địa nhất được gắn vào với thành châu Âu. Điều này khiến các thương gia, các nhà thám hiểm đến từ châu Âu thời đó gọi là “kỳ lạ và phi quân sự nhất”. Tuy nhiên, nhìn tổng thể về mặt cấu trúc, tổ chức không gian chức năng thì nó gần như bản sao nguyên mẫu của một pháo đài châu Âu, hoàn toàn khác với những pháo đài ở châu Á thời đó. Chính điều này lại gây kinh ngạc cho các nhà buôn, các quan lại đến từ Trung Hoa.
Số phận lận đận của thành Bát Quái
Thành Bát Quái có một số phận khá lận đận. Ban đầu Nguyễn Ánh coi Gia Định là kinh đô nên chủ trương xây thành Bát Quái rất lớn. Nhưng đến khi chủ trương xây dựng Huế thành kinh đô thì ông tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Gia Định, bắt hạ bớt tường thành Bát Quái từ 6,4 m xuống dưới 6 m cho thấp hơn thành Huế.
Đến đời vua Minh Mạng, năm 1830, Tổng trấn Lê Văn Duyệt cho sửa thành Bát Quái và nâng tường thành trở lại lên cao hơn 1 thước 5 tấc (chừng 1,5 m), như thế là cao hơn thành Huế. Vua Minh Mạng không ưa Lê Văn Duyệt vì cho là Lê Văn Duyệt cố tình nâng cao thành tỏ ý coi thường triều đình, cộng thêm những mâu thuẫn gay gắt khác nữa nên sau khi Lê Văn Duyệt mất vì già yếu (năm 1832), thọ 69 tuổi. Vua Minh Mạng đã cho người san bằng mồ mả của Lê Văn Duyệt. Điều này làm Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, thù hận, nổi loạn, đánh chiếm lấy thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính nổi dậy chống lại triều đình (năm 1833). Nhiều lần quân nhà Nguyễn tấn công nhưng không thành công vì thành quá kiên cố, đại bác bắn không làm thành suy suyển.
Năm 1834, Lê Văn Khôi bị bệnh chết trong thành, binh lực dần suy yếu, lực lượng nổi dậy giữ thành được đến tháng 9-1835 thì thất thủ. Sau khi đánh bại quân của Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho triệt phá toàn bộ thành Bát Quái vào năm 1837, chính vì sự phá hủy này mà thành Bát Quái còn bị gọi Gia Định phế thành.
Sau khi phá tan thành Bát Quái, nhà Nguyễn ra lệnh xây thành Gia Định mới (còn gọi là thành Phụng) vào năm 1837. So với thành Bát Quái thì nó chỉ bằng 1/3 so với thành cũ. Tại chính ngôi thành này vào ngày 17-2-1859 diễn ra một trận đánh lớn đầu tiên với quân đội chính quy Pháp mở đầu cho những trang sử đấu tranh anh dũng và bi tráng của vùng đất phương Nam. Sau nửa ngày kịch chiến, quan quân nhà Nguyễn thất bại. Một trong các lý do đưa đến chiến bại nhanh mà nhiều chuyên gia nhận định là do nhà Nguyễn phá bỏ ngôi thành cũ kiên cố hơn để xây dựng tòa thành mới bé nhỏ và đơn giản hơn.
Thống chế Vauban đã thiết kế nên một loại pháo đài quân sự được cấu trúc bởi các lớp thành đa giác chồng lên nhau từ bát giác, lục giác, ngũ giác đến tứ giác theo kiểu ngôi sao nhiều cánh. Các góc nhọn của các lớp thành nhô ra bên ngoài như cái sừng (horn works) để nâng cao tầm quan sát và phát huy tối đa hỏa lực khống chế đối phương, đảm bảo không có góc khuất ra khỏi tầm kiểm soát của thủ thành. Muốn đánh chiếm được thành, đối phương buộc phải bóc từng lớp thành từ ngoài vào trong (thường là 3-5 lớp). Loại thành này trở nên phổ biến trong nghệ thuật quân sự phòng ngự khắp châu Âu thế kỷ 17-18 và đầu thế kỷ 19. Người thiết kế tòa thành này ở Sài Gòn khi đó là kiến trúc sư người Pháp Theodore Lebrun và kỹ sư công binh người Pháp Victor Olivier de Puymanel (Việt danh là Ông Tín). Người chỉ huy thi công: Trần Văn Học, người Việt Nam, quê ở Bình Dương. Ông là người có tài họa đồ kiến trúc và xây cất, có tài liệu nói ông là người Việt Nam đầu tiên tiếp cận đến kiến trúc phương Tây và coi ông là một nhà xây dựng tài ba. Dưới thời nhà Nguyễn, ông được phong đến chức cai cơ. Tòa thành được khởi công xây dựng ngày 4-2-1790 (năm Canh Tuất) và cần đến 30.000 thợ và dân phu. |