Thánh lễ theo nghi thức Công giáo diễn ra từ 6 giờ nhưng trước đó con hẻm nhà nhạc sĩ đã rất đông người đến để hiệp cùng gia đình cầu nguyện cho linh hồn Jeroma Nguyễn Đình Ánh.
Ai cũng biết thuở sinh thời, nơi ông đến đàn nhiều nhất, thường xuyên nhất có lẽ là khách sạn Sofitel Sài Gòn Plaza. Còn nhớ, một lần có chương trình của một nghệ sĩ dương cầm cổ điển biểu diễn ở trong khán phòng khách sạn này, mọi người đến vỗ tay, tán thưởng bởi sự trở về của nghệ sĩ đó; còn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn vậy, ông điềm nhiên với những phím đàn của mình ở bên ngoài sảnh, với công việc hằng ngày của ông. Sự điềm nhiên, khiêm tốn nhưng luôn biết vị trí của mình làm ông tách biệt được khỏi đời sống. Có người gọi đó là cô độc nhưng với ông đôi khi đó là sự hài lòng. Có lẽ cũng vì thế mà không ai có thể thêu dệt một giai thoại nào về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Hai con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là nhạc sĩ Nguyễn Quang và con út Nguyễn Đình Quang Anh trong nghi lễ an táng ông vào sáng 18-4. Ảnh: NGUYỄN NGA
Không mang giai thoại nào, ông cũng chưa từng là một nhạc sĩ chèn ép ai dẫu một thời ông có cả phòng trà riêng. Biên tập âm nhạc cho một chương trình hay phòng trà nhiều lúc quyền uy lắm nhưng trong vai trò là người biên tập, đứng tên hoạt động phòng trà Tiếng dương cầm, những người từng gặp gỡ ông giai đoạn này đều trở thành con nuôi thân thiết của ông.
Đó là thời những giọng ca: Bích Hiền, Diệu Hiền, Hương Giang, Ngọc Mai, Hữu Luân, Hoàng Quân… tự tìm đến phòng trà và xin cộng tác với ông. “Lúc đến với phòng trà, tôi xin bố hát bè nhưng dù hát gì, bố đều đối xử như nhau. Bố quý tài và tính cách hơn tất cả”, ca sĩ Diệu Hiền, một giọng ca phòng trà chia sẻ.
Hoạt động chỉ khoảng hai năm (2006-2008) nhưng từ phòng trà của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhiều giọng ca trở nên đặc biệt. Như với ca sĩ Diệu Hiền thì từ hát bè, với những phần hướng dẫn hằng ngày của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà ca sĩ này cứng cáp hơn để có thể hát solo. Cô cũng là người đầu tiên được ông giao hát ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm. Ca khúc này đã đóng dấu tên tuổi Diệu Hiền để chị tách riêng khỏi nhóm bè thành giọng ca solo độc lập. Còn với ca sĩ có chất giọng trầm Hương Giang thì chính nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã giúp chị đến với những ca khúc: Nửa hồn thương đau, Người đi qua đời tôi…
Có thể nói nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không phải là người muốn gắn bó với những tên tuổi. Giọng ca nào ông cảm nhận được cảm xúc, chân thành thì ông tiếp tục chia sẻ những nhạc phẩm của mình. Bởi vậy trong những album nhạc của ông, hầu hết là những giọng ca lạ so với thị trường: Diệu Hiền, Hương Giang, Trọng Bắc… Và trong ký ức những ca sĩ được nuôi dưỡng từ phòng trà Tiếng dương cầm thì “Tiếng dương cầm ngày đó không phải là nơi xếp hàng lên hát mà nơi bố tự tay dựng chương trình từ tốp ca, phân bè… đứa nào hát ra sao. Cả đám hồi đó hát ở phòng trà của bố, sống với nhau như gia đình. Đó là thời sức khỏe của bố tốt nhất và cũng là thời bố vui nhất…”.
Thế nên để người bố của Tiếng dương cầm về thế giới bên kia thanh thản, đêm trước ngày diễn ra lễ an táng (17-4), đến tận khuya, những người con nuôi của ông: Hương Giang, Diệu Hiền, Hoàng Quân, Quang Hà, Xuân Phú… vẫn ở lại cùng gia đình hát những bài ca ông từng tập cho họ thuở họ mới bước vào con đường ca hát thay lời tiễn đưa ông.
Trong thánh lễ an táng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại nhà riêng của ông, cùng khăn tang, nước mắt là rất nhiều bản thánh ca được hát. Thế nhưng cho đến khi ca khúc Đêm nay ai đưa em về được tấu lên, cùng chiếc quan tài của vị nhạc sĩ quay đầu vào chào nhà trước khi lên xe đi hỏa táng thì mọi cảm xúc òa vỡ. Người thân rơi nước mắt bởi một người đàn ông cả đời vì gia đình; bạn bè rơi nước mắt bởi một người luôn hết lòng trong đời sống và người hâm mộ rơi nước mắt bởi một vị nhạc sĩ khiêm nhường và tử tế.
Xin giã biệt nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một cuộc đời bình dị đến lạ lùng bằng chính câu hát trong bản thánh ca Khúc ca tạ ơn được hát trong thánh lễ an táng ông: “Đời con là những nốt nhạc thiêng… đời con là khúc hát tri ân… đời con là những tháng ngày trôi, Chúa an bài cho thật biết bao lạ lùng…”.